Ninh Sơn: Liên kết “bốn nhà” trong phát triển vùng cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến

(NTO) Ninh Sơn là huyện miền núi, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp ngắn ngày. Để phát huy tiềm năng, lợi thế đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 đề ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến.

Những năm qua, với sự tập trung lãnh đạo đầu tư trồng hai loại cây mía và mì, Ninh Sơn đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Đến nay, tổng diện tích cây mía, mì đạt 5.431ha, tăng hơn 431ha so với kế hoạch. Thực tế diện tích cây mía, mì tăng mạnh cho thấy mức "cung" nguyên liệu phục vụ chế biến vượt quá "cầu".

Ninh Sơn thực hiện liên kết “bốn nhà” trong sản xuất mía đạt kết quả cao
(Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật Công ty CP Mía đường Phan Rang giúp nông dân thôn Triệu
Phong 1, xã Quảng Sơn vệ sinh ruộng mía, phòng trừ sâu bệnh)

Tuy nhiên, với chủ trương phát triển theo hướng bền vững mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu là tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao lợi nhuận cho hộ trồng. Để đạt được mục đích này, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo đầu tư mở rộng hệ thống thủy lợi, đưa giống mới vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, coi trọng xây dựng mối liên kết “4 nhà”. Từ nhiều năm nay, Công ty CP Mía đường Phan Rang, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân trồng mía, mì thông qua hợp đồng đầu tư và ký kết bao tiêu sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng đã đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, tích cực xuống đồng hướng dẫn nông dân sử dụng giống mới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã tạo chuyển biến tích cực. Thông qua các chương trình khuyến nông, hiện nay, nông dân đã đưa các loại giống mía tiềm năng, như: K88-92, K95-156, KK3… vào sản xuất, giảm tỷ lệ giống cũ từ 65% (năm 2013) xuống còn 35% hiện nay. Các loại giống mì mới có năng suất cao, đạt từ 30-35 tấn/ha, như: KM 228, KM 140, Cút Xanh… cũng được đưa vào sản xuất trên diện rộng. Việc đẩy mạnh đưa giống mới vào sản xuất đã làm năng suất mía, mì tăng vượt bậc... Niên vụ mía vừa qua, nông dân canh tác khoảng 1.800ha mía giống mới, cho năng suất 80 tấn/ha, cao hơn giống cũ 20 tấn.

Giải pháp mang tính "đột phá" nhằm giảm giá thành, nâng cao thu nhập cho hộ trồng, đó là Ninh Sơn đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa vào sản xuất mía, mì. Từ năm 2011 đến nay, nông dân đã được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ một số máy móc phục vụ sản xuất, gồm: 5 máy nâng mía và 18 máy làm đất đa năng. Qua thực tế sản xuất cho thấy, loại máy làm đất đa năng bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giảm công lao động và chi phí sản xuất cho hộ trồng mía. Anh Trương Đình Dũng (thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn) cho biết: Trước đây, trồng mía bằng phương pháp thủ công, chi phí rất cao, tiền thuê công cày xới, xuống giống, làm cỏ, bón phân hết gần 10 triệu đồng/ha. Từ khi có máy đảm bảo sản xuất kịp thời vụ, giảm chi phí thuê nhân công được 3,8 triệu đồng/ha. Từ việc triển khai mô hình thí điểm có hiệu quả, đến nay, nhiều hộ dân ở các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn, thị trấn Tân Sơn… đã đầu tư mua sắm máy móc phục vụ trồng mía.

Không dừng lại đó, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh tiếp tục chuyển giao thêm một số máy chặt mía, gom hàng cho nông dân. Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc định hướng phát triển bền vững cây mía nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Ngoài ra, mỗi niên vụ mía, Công ty CP Mía đường Phan Rang đã chi một khoản kinh phí nhất định hỗ trợ nông dân mua sắm nông cụ. Đơn cử như niên vụ mía 2014-2015, công ty đầu tư hơn 400 triệu đồng hỗ trợ nông dân vùng trồng mía mua thiết bị trồng hàng đôi và thiết bị chăm sóc mía.

Từ việc lãnh đạo thực hiện thành công các mô hình cơ giới trong sản xuất mía, mì đã làm chuyển biến nhận thức của nông dân, từ bỏ tập quán canh tác nhỏ lẻ, hướng tới liên kết sản xuất trên quy mô lớn. Đồng chí Nguyễn Tiến Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn, nhìn nhận: Việc phát triển vùng cây nguyên liệu trên địa bàn huyện những năm qua đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước và nhà doanh nghiệp. Thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo phát triển vùng cây nguyên liệu theo hướng gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, nâng cao hiệu quả mối liên kết “4 nhà”; đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, đưa giống mới vào sản xuất là giải pháp có tính căn cơ nhằm giảm chi phí đầu vào, đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.