Vài nét về lễ hội Ramưwan

(NTO) Từ Ramưwan trong tiếng Chăm là từ đọc chệch (trại) ra từ gốc từ Ảrập “Ramadan”, có nghĩa là tháng 9 (Hồi lịch). Đây không chỉ là tháng chay niệm của người Chăm Awal (người Chăm Bàni) mà là của cả cộng đồng Hồi giáo trên thế giới. Nhưng cũng như các lễ tục khác, lễ Ramưwan của người Chăm Bàni (Hồi giáo đã bản địa hóa) ở Ninh Thuận có những sắc thái riêng.

Lễ Ramưwan năm nay bắt đầu từ ngày 18 tháng 6 dương lịch, nhằm vào ngày mồng 1 tháng 9 Hồi lịch. Khác với lễ Ramadan của cộng đồng Hồi giáo thế giới, trước khi vào chùa làm lễ chay niệm chính thức, người Chăm Bà ni tổ chức lễ tảo mộ, cúng gia tiên. Vì vậy, lễ Ramưwan của người Chăm Bà ni gồm có 3 phần: lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm tại thánh đường. Lễ tảo mộ là lễ khởi đầu tháng lễ Ramưwan, diễn ra vào cuối tháng 8 Hồi lịch. Tất cả các tộc họ ở các làng Chăm Bàni đều đi tảo mộ. Vào ngày 1/9 Hồi lịch, bắt đầu lễ chay niệm trong chùa (thánh đường).

Lễ tảo mộ của đồng bào Chăm Bàni trong dịp Ramưwan.

Lễ vật trong lễ tảo mộ khá đơn giản. Từng tộc họ đến nghĩa địa để làm cỏ, vun đất phần mộ (khác với mộ của các dân tộc khác, mộ của người Chăm Bàni là những hòn đá tròn xếp thành những hàng dài rất đều đặn). Vào lễ, ông thầy Char làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ.

Sau khi tảo mộ về, từng gia tộc làm lễ cúng gia tiên. Sau lễ cúng gia tiên, các gia đình làm các mâm lễ để đội lên chùa. Mâm lễ dâng cúng trong lễ Ramưwan được cộng đồng và các tộc họ trang trí, bày biện trên sân chùa theo hàng theo lối rất đẹp mắt. Những người tham dự lễ mặc những bộ trang phục truyền thống Chăm mới nhất, đẹp nhất. Sau khi kết thúc lễ cúng gia tiên và những ngày hội vui tươi, các làng Chăm Bàni bước vào tháng chay Ramưvan trang nghiêm. Lễ chay tịnh Ramưvan kết thúc vào ngày 30 của tháng 9 Hồi lịch. Ngày kết thúc được tổ chức rất long trọng tại thánh đường.

Nếu như Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm Ahiêr thì Ramưwan là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm Bàni (người Chăm ảnh hưởng Hồi giáo). Khác với lễ Ramadan của cộng đồng những người theo Hồi giáo Islam, lễ Ramưwan của người Chăm Bàni mang nhiều sắc thái văn hóa Chăm, đó là sự kết hợp với những nghi lễ bản địa như lễ cúng gia tiên, cúng dâng gạo, cúng nữ thần và những năm sau này còn xuất hiện các loại hình văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian mà các nhà nghiên cứu hay gọi là phần “hội”. Cũng như người Chăm Bàlamôn, trước lễ Ramưwan, người Chăm Bàni làm nhiều bánh trái và món ăn truyền thống để mời khách khứa. Với truyền thống hiếu khách, người Chăm đón tiếp anh em bè bạn, đồng nghiệp, bà con gần xa đến “chúc tết” rất chu đáo và niềm nở. Càng đông khách đến “chúc”, bà con càng phấn khởi và coi đó là niềm tin vào một năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi, gia đình bình yên, khỏe mạnh, hạnh phúc, con cháu học giỏi và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Năm nay, cộng đồng người Chăm Bàni ở Ninh Thuận đón mùa lễ Ramưwan trong điều kiện cả tỉnh đang chịu hạn hán nặng nề. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có sự chỉ đạo cho các ngành các cấp vừa ra sức chống hạn hán, cứu đói, cứu khát, cấp gạo, cấp nước cho bà con vùng hạn hán, vừa tạo điều kiện tổ chức tốt lễ hội Ramưwan cho cộng đồng người Chăm Bàni.