Thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh

Xác định phát triển công nghiệp (CN) là một trong những mục tiêu ưu tiên đưa kinh tế tỉnh phát triển, trong vài năm trở lại đây, tỉnh ta đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này và bước đầu đã tạo ra những hiệu quả khá rõ nét.

Công nghiệp đã có bước Tăng trưởng

Nhờ thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư nên những năm gần đây, ngành CN tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 dự án đầu tư vào ngành CN, với tổng nguồn vốn 47.230 tỷ đồng; trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực CN chế biến với 130 dự án, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Đáng quan tâm là một số dự án đầu tư mới như: Nhà máy Bia Sài Gòn–Ninh Thuận, Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú, Nhà máy Chế biến tôm xuất khẩu số 2 của Công ty TNHH Thông Thuận,... dù mới đi vào hoạt động, nhưng đã phát huy năng lực sản xuất, tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng của ngành.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Nếu ở thời điểm tháng 5-2011, khi các nhóm ngành kể trên chưa đi vào hoạt động, tổng giá trị sản xuất toàn ngành CN chỉ đạt gần 628 tỷ đồng, nhưng đến tháng 5 năm nay, giá trị sản xuất ngành CN đã đạt con số trên 2.241 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần. Các sản phẩm có chỉ số tăng trưởng khá trong 5 tháng đầu năm gồm: May gia công tăng 27,6%; gạch nung tăng 2,6 lần; gạch không nung tăng 2,4 lần; muối chế biến tăng 21,6%. Đặc biệt, một số sản phẩm chủ lực như: Bia đóng lon đạt trên 23,9 triệu lít, tăng 32,2%; khăn bông các loại trên 562 tấn thành phẩm, tăng hơn 3,6 lần; tôm đông lạnh 2.404 tấn, tăng 70,1%; muối biển đạt 228,8 ngàn tấn, tăng 5,2%...

 
Dây chuyền sản xuất bia lon tại Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 5 tháng đầu năm 2015 đã minh chứng khá rõ nét sự tăng trưởng của ngành CN tỉnh nhà. Trong đó, về hoạt động sản xuất, nếu phân theo từng lĩnh vực cho thấy, CN chế biến, chế tạo đang chiếm tỷ trọng cao nhất với 33,1%, tập trung vào các ngành cấp 2 chủ yếu như chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất trang phục; đứng sau nhóm ngành này là cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải tăng 9,1%. Riêng lĩnh vực CN khai khoáng, dù chỉ chiếm tỷ trọng 3,6%, tập trung chủ yếu vào hoạt động khai thác đá xây dựng và hoạt động khai thác muối biển, nhưng vẫn đóng góp vào nguồn thu không nhỏ, với giá trị sản xuất trên 184 tỷ đồng, góp phần đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) trong 5 tháng đầu năm 2015 tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, nhưng ngành CN tỉnh ta vẫn tạo được sức bật mới để vươn lên.

Tái cơ cấu để nâng cao chất lượng phát triển

Tỉnh ta hiện có 3 khu và 6 cụm CN tập trung ở các địa phương: Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và các huyện Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Sơn. Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân làm cho phần lớn dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh ta nói chung và tại các khu, cụm CN nói riêng chậm triển khai so với cam kết là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Mặt khác, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu, nên nhiều nhà đầu tư dè dặt do giá vật tư xây dựng đang chênh lệch khá cao so với mức giá mà nhà đầu tư dự kiến trước đó. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp do năng lực tài chính hạn chế nên đang cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay của các ngân hàng. Một vấn đề không thể loại trừ nữa, đó là nhiều nhà đầu tư đang thực hiện “kế sách giữ đất” để tìm đối tác sang lại dự án.

 
Chuyền may xuất khẩu tại Công ty TNHH May Tiến Thuận.

Trước thực tế trên, ngày 13-5 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1925/KH-UBND thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương, nhằm tạo bước đi cụ thể theo lộ trình, hướng đến khắc phục các tồn tại, hạn chế về cấu trúc hiện trạng, từ đó phát huy các thế mạnh về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của ngành. Nội dung của tái cơ cấu chia theo từng lĩnh vực để thực hiện; trong đó, lĩnh vực CN sẽ tập trung tái cơ cấu 4 ngành chính là CN chế biến, CN năng lượng, CN khai khoáng và CN hỗ trợ. Để đảm bảo mục tiêu đề ra, tỉnh đã phân kỳ kế hoạch thành 2 giai đoạn để thực hiện. Theo đó, giai đoạn đến hết năm 2015 chủ yếu tập trung cho phát triển CN năng lượng và CN chế biến; giai đoạn 2016-2020 tập trung đầu tư hoàn thành và mở rộng các khu, cụm CN, hình thành trung tâm năng lượng sạch và vùng chế biến thủy sản tập trung. Ngành Công Thương đang xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện chương trình hành động phù hợp với tình hình thực thế.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thanh Hoan cho biết: Trên cơ sở tính đến những thời cơ, thuận lợi mới và lường trước những khó khăn, thách thức, hiện tại ngoài việc xây dựng quy hoạch chung cân đối, hài hòa giữa điều kiện tự nhiên mang tính đặc thù của địa phương với các tiểu vùng kinh tế, tỉnh ta đã phê duyệt quy hoạch chi tiết thêm 4 cụm CN, nâng tổng số cụm CN trên địa bàn tỉnh ta lên 6 cụm CN. Trong đó, cụm CN Quảng Sơn và Tri Hải đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, 2 cụm CN Hiếu Thiện, Suối Đá đang kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng. Riêng cụm CN chế biến thủy sản tập trung, diện tích 17 ha đang được huyện Thuận Nam triển khai lập quy hoạch chi tiết tại địa bàn xã Phước Minh. Ngoài ra, tỉnh ta cũng đang đẩy mạnh thu hút các dự án sản xuất CN có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, các cụm CN khi đưa vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất CN đạt khoảng 13.676 tỷ đồng, tăng 2,43 lần so với năm 2015; trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt từ 19-20% và giá trị tăng thêm ngành CN trong cơ cấu kinh tế đạt khoảng 26,8%.