Gợi ý giải đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016

(NTO) Báo điện tử Ninh Thuận giới thiệu gợi ý giải bài môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2015- 2016, bài viết do thầy giáo Lưu Công Lương, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thực hiện.

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT

Khóa ngày 11 tháng 6 năm 2015 tại Ninh Thuận

Môn thi : NGỮ VĂN

Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian phát đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề thi gồm 01 trang)

Câu 1 (1,0 điểm):

Đọc đoạn thơ sau:

“… anh nước mặn, đồng chua

… tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”

(“Đồng chí” – Chính Hữu, Ngữ văn 9, tập 1, NXB GD Việt Nam, 2014)

Chọn các từ sau để điền vào chỗ trống ở đoạn thơ trên cho đúng với văn bản (“Đồng chí” – Chính Hữu, Ngữ văn 9, tập 1): Làng bản, Làng, Vùng quê, Quê hương.

Câu 2 (1,0 điểm):

Xác định thành ngữ trong câu thơ đầu của đoạn thơ được trích dẫn ở câu số 1.

Câu 3 (3,0 điểm):

Nắng nóng tại Ninh Thuận có lợi hay có hại?

Viết đoạn văn khoảng ½ trang giấy thi để bày tỏ quan điểm của em về vấn đề ấy.

Câu 4 (5,0 điểm):

Ở hai khổ đầu bài thơ “Viếng lăng Bác”, nhà thơ Viễn Phương viết:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

(“Viếng lăng Bác” - Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập 2, NXB GD Việt Nam, 2014)

Trình bày cảm nhận của em về hai khổ thơ trên, từ đó hãy nêu suy nghĩ của mình về Bác Hồ kính yêu ./.

(Lưu ý: Tất cả những vấn đề trong bài viết phải được trình bày liền mạch và có tính liên kết)

---Hết---

BÀI GIẢI GỢI Ý

(Tham khảo)

Câu 1 (1,0 điểm):

Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống: Quê hương, Làng.

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”

(“Đồng chí” – Chính Hữu, Ngữ văn 9, tập 1, NXB GD Việt Nam, 2014)

Câu 2 (1,0 điểm):

Thành ngữ trong câu thơ đầu của đoạn thơ được trích dẫn ở câu số 1: “nước mặn, đồng chua”, “đất cày sỏi đá”.

Câu 3:  (3,0 điểm):

Nắng nóng tại Ninh Thuận có lợi hay có hại?

Viết đoạn văn khoảng ½ trang giấy thi để bày tỏ quan điểm của em về vấn đề ấy.

a.Yêu cầu về kĩ năng

- Viết một đoạn văn khoảng ½ trang giấy thi để bày tỏ quan điểm của em về vấn đề Nắng nóng tại Ninh Thuận có lợi hay có hại.

- Đoạn văn phải chặt chẽ, hợp lí, không mắc lỗi diễn đạt về chính tả, dùng từ, đặt câu.

b.Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể viết theo nhiều cách khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Sau đây là một số gợi ý:

- Nêu được vấn đề nghị luận: Nắng nóng làm đảo lộn cuộc sống của đại bộ phận người dân Ninh Thuận trong mấy tháng gần đây.

- Thể hiện quan điểm của bản thân: Nắng nóng kéo dài có hại đối với sức khỏe, sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…; Nắng nóng tác động mạnh mẽ đến môi trường như huỷ hoại các loài thực vật, các loài động vật, làm giảm chất lượng không khí…; Nắng nóng không chỉ gây ra tình trạng thiếu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà nó còn gây ra thiếu nước sinh hoạt cho người dân, các khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn…; Nắng nóng còn gây ra tình trạng cháy rừng…Hãy cùng nhau phòng chống nắng nóng, hãy quan tâm đến sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để có biện pháp phòng chống nắng nóng kịp thời, hiệu quả nhằm giảm thiệt hại do nắng nóng gây ra…

Câu 4 (5,0 điểm):

Ở hai khổ đầu bài thơ “Viếng lăng Bác”, nhà thơ Viễn Phương viết:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

(“Viếng lăng Bác” - Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập 2, NXB GD Việt Nam, 2014)

Trình bày cảm nhận của em về hai khổ trên, từ đó hãy nêu suy nghĩ của mình về Bác Hồ kính yêu.

1. Yêu cầu về kĩ năng:

Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, vận dụng khả năng đọc - hiểu để phát biểu cảm nhận về đoạn thơ trữ tình. Kết cấu chặt chẽ, hành văn trôi chảy, lưu loát; không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả…

2.Yêu cầu về kiến thức:

Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Viễn Phương và bài thơ Viếng lăng Bác, học sinh có thể làm bài làm theo nhiều cách khác nhau, sau đây là một số gợi ý:

a. Giới thiệu vấn đề nghị luận:

+ Viễn Phương một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng Miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước.

+ Bài thơ Viếng lăng Bác được viết năm 1976, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành, tác giả ra miền Bắc thăm lăng Bác Hồ.

+ Đoạn thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào khi tác giả vào viếng lăng Bác.

b. Cảm nhận của em về hai khổ thơ:

* Về nội dung:

- Cảm xúc của nhà thơ khi đến viếng lăng Bác (Khổ đầu):

+ “Con ở Miền Nam ra thăm lăng Bác”: lời giới thiệu, lời thông báo đầy xúc động. Cách xưng hô (con- Bác) thân thương, kính trọng thành kính thiêng liêng như tình cảm cha con ruột thịt.

+ Hình ảnh “hàng tre bát ngát”, “hàng tre xanh xanh Việt Nam”, “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”: gợi nhà thơ liên tưởng đến sức sống của dân tộc và tình cảm của nhân dân đối với Bác.

- Sự tôn kính của nhà thơ đối với Bác khi đứng trước lăng (Khổ hai):

+ “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng. Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: Mặt trời của vũ trụ , mặt trời của con người – Bác Hồ. Chỉ sự tôn kính của nhà thơ và của nhân dân dành cho Bác.

+ “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ. Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Hình ảnh thực (dòng người) và hình ảnh ẩn dụ (tràng hoa) sóng đôi: Lòng thành kính của nhân dân đối với Bác.

- Nhận xét: Hai đoạn thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người đối với Bác Hồ khi viếng lăng Bác.

* Nghệ thuật:

- Giọng thơ vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, vừa tự hào thể hiện đúng tâm trạng xúc động khi vào viếng lăng Bác.

- Hình ảnh trong đoạn thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp giữa hình ảnh thực, hình ảnh ẩn dụ biểu tượng làm cho câu thơ vừa gần gũi, vừa sâu sắc, có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm cao.

c. Nêu suy nghĩ của bản thân về Bác Hồ kính yêu:

Học sinh có thể suy nghĩ theo nhiều cách khác nhau nhưng tất cả những vấn đề trong bài viết phải được trình bày liền mạch và có tính liên kết, sau đây là một số gợi ý:

- Suy nghĩ về con người Hồ Chí Minh.

- Suy nghĩ về lối sống giản dị và thanh cao của Bác.

- Suy nghĩ về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

d. Khái quát và khẳng định lại vấn đề.