Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác Bộ NN&PTNT

(NTO) Ngày 3-6, đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh ta về tình hình triển khai thực hiện dự án Khu kinh tế muối công nghiệp Quán Thẻ. Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

 
Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác.
 
 
Đồng chí Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo, Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ rộng 2.510 ha do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sản xuất Hạ Long đầu tư. Dự án này xác định hai vấn đề cơ bản: Tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong khu vực dự án; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng dự án vẫn chưa được cải thiện như mong muốn. Trong khi đó, môi trường vùng dự án phải đối mặt với thực trạng hết sức khắc nghiệt khi phạm vi và mức độ nhiễm mặn đất, nước ngầm, không khí ngày càng nặng nề.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm bố trí trên 576 tỷ đồng để nhanh chóng triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phía Tây đường sắt và xây dựng công trình di dân, tái định cư cho 200 hộ dân vùng trũng bị ảnh hưởng do nhiễm mặn của đồng muối Quán Thẻ. Đề nghị Công ty Cổ phần muối Cà Ná-Ninh Thuận có trách nhiệm cùng với tỉnh nhanh chóng giải quyết kinh phí hỗ trợ nhiễm mặn cho các hộ dân có đất bị ảnh hưởng nhiễm mặn. Kiên quyết không chấp thuận chủ trương mở rộng thêm 442ha đồng muối gần khu hồ Suối Lớn để đảm bảo thị trấn Phước Dân và xã Phước Ninh không bị nhiễm mặn.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT đề nghị Công ty cổ phần muối Cà Ná-Ninh Thuận phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đánh giá tác động môi trường đến vấn đề nhiễm mặn. Sớm thực hiện một số biện pháp trước mắt như đào kênh vây mặn xung quanh khu vực đồng muối để hạn chế xâm nhập mặn. Hạn chế phát triển thêm diện tích đồng muối. Cần đầu tư những nhà máy chế biến các sản phẩm sau muối nhằm khai thác tối đa giá trị tư liệu sản xuất của vùng này đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho người dân có đất bị thu hồi. Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững trong điều kiện bị nhiễm mặn.