Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 30-5

* Sự kiện

- Ngày 30-5-1922: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc mít-tinh do Đảng Cộng sản Pháp tổ chức tại phòng Pơranhtania, số 123 đại lộ Clisi, để phản đối chiến tranh.

- Ngày 30-5-1949: Trên Báo Cứu Quốc, số 1255, với bút danh Lê Quyết Thắng, Bác viết bài “Thế nào là CẦN”. Sau lời khẳng định: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành Người”. Người phân tích nội dung chữ Cần, mối quan hệ giữa Cần và Chuyên, siêng năng và kế hoạch, chỉ rõ lười biếng là kẻ địch của chữ Cần. Bằng những ví dụ sinh động, Người nêu lên kết quả to lớn nếu từng người, từng nhà và cả nước thực hiện được chữ CẦN.

- Ngày 30-5-1966: Dũng sỹ diệt Mỹ Nguyễn Văn Bé với một quả mìn lớn đã tiêu diệt 69 tên Mỹ và tay sai, 3 xe bọc thép. Anh đã được truy tặng 3 danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt ngụy, Dũng sĩ diệt xe cơ giới.

- Ngày 30-5-1979: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VI thông qua Nghị quyết về việc thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo gồm có thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai và huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang. Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trực thuộc Trung ương và tương đương với cấp tỉnh. Tiếp đó, đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII ngày 12-8-1991, Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo và ba huyện Long Đất, Châu Thành, Xuyên Mộc của tỉnh Đồng Nai.

- Ngày 30-5-2001: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 83/2001/QĐ-TTg thành lập Nhà xuất bản Tôn giáo trực thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ.

- Ngày 30-5-2003: Tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với tỉnh Salavan (Lào) khai trương và đưa vào hoạt động cửa khẩu Hồng Vân-Koutai. Cửa khẩu Hồng Vân-Koutai nối với Lào tại mốc S3, thuộc xã Hồng Vân, huyện A Lưới, cách thị trấn A Lưới 30 km và cách thành phố Huế 104 km. Cửa khẩu nằm trên tuyến hành lang Đông-Tây, có vị trí là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Salavan nói riêng và hai nước Việt Nam - Lào nói chung.

- Ngày 30-5-2008: Khánh thành trạm Ðiều khiển vệ tinh Vinasat-1. Ngày này, Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) tổ chức khánh thành trạm Điều khiển vệ tinh Vinasat-1 tại Quế Dương (Hà Nội). Trước đó, vệ tinh Vinasat-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo ngày 19-4-2008. Trạm được khởi công xây dựng từ ngày 4-1-2007 và được hoàn thành vào tháng 6-2007. Trạm gồm hai khu nhà lớn và 4 "chảo" ăng-ten. Tầng 1 là nơi khai thác các dịch vụ của vệ tinh. Tầng 2 là khu vực kỹ thuật, được phân chia theo từng nhóm: nhóm kỹ sư vệ tinh, nhóm kỹ sư phân tích quỹ đạo, nhóm kỹ sư cao tần, nhóm kỹ sư software (phần mềm)… Hiện nay, trạm điều khiển vệ tinh Quế Dương là trạm điều khiển chính vệ tinh Vinasat -1 và Vinasat-2. Ngoài ra còn có trạm điều khiển vệ tinh dự phòng tại Bình Dương.

- Ngày 30-5-2013: Khởi công xây dựng khách sạn quốc tế tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại Sa Pa. Khách sạn quốc tế Đông Dương nằm trên đất tổ 7A, đường Mường Hoa, thị trấn Sa Pa, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 0,9 km về phía Đông. Đây là một khu đất đẹp với diện tích 7.252 m2 có thể quan sát được phần lớn quang cảnh Sa Pa. Khách sạn quốc tế Đông Dương được xây dựng với kiểu dáng kiến trúc lấy ý tưởng từ những khối đá nằm trên triền núi với cảnh quan là ruộng bậc thang đặc trưng của Sa Pa. Khách sạn có 156 phòng với đầy đủ tiện ích để tổ chức hội nghị, hội thảo, bể bơi trong nhà. Đây là khách sạn có mức đầu tư lớn và có quy mô sử dụng, công năng phòng nghỉ và các dịch vụ hiện đại, theo tiêu chí thân thiện môi trường được đầu tư xây dựng đầu tiên tại Sa Pa.

* Nhân vật

- Ngày 30-5-1921: Ngày mất nhà nghiên cứu Phan Kế Bính. Phan Kế Bính sinh năm 1875, tại Tây Hồ, Hà Nội. Ông là một nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đỗ cử nhân năm 1906 nhưng không ra làm quan, ông công khai hưởng ứng phong trào Duy Tân. Từ 1907, ông bắt đầu viết báo trong vai trò là một trợ bút, chủ yếu là dịch thuật, biên khảo sách chữ Hán và cộng tác với các báo: Ðông Dương tạp chí, Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn. Ông đặc biệt nổi tiếng với “Việt Nam và phong tục”. Qua 47 mục thuộc 3 thiên, ông nghiên cứu một cách công phu, tỉ mỉ những phong tục, tập quán hàng nghìn năm của người Việt, tồn tại bảo lưu trong các quan hệ gia đình, nơi làng xã nông thôn và trong cộng đồng xã hội. Tên của ông được đặt cho một con đường ở phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo TTXVN