KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH:

Cả hai bên đều “dở”

(NTO) Phiên tòa kết thúc, bị cáo được giao cho các đồng chí công an đưa về nhà tạm giữ. Hơn 30 người tham dự phiên tòa cũng rời phòng xử án, nhưng bầu không khí giữa hai bên gia đình bị cáo và bị hại thì càng trở nên căng thẳng, gay gắt. Đôi bên còn buông lời đe dọa, khiêu khích lẫn nhau.

Sự việc bắt đầu từ lúc một số thanh niên của 2 thôn Hòa Thủy và Từ Tâm (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước) có mâu thuẫn với nhau. Tuổi trẻ bồng bột, thiếu suy nghĩ, cộng với tính hay tự ái và sỹ diện, thêm chút men nữa thì khó lòng làm chủ hành vi của mình. Thế nên, sau cuộc nhậu vào chiều 3-9-2014, lẽ ra phải trở về nhà thì T.L.T. (SN 1993, thôn Hòa Thủy) quyết định mang theo một cây rựa rồi cùng bạn đến thôn Từ Tâm để tìm đánh một thanh niên khác, vì trước đó, anh này đã đánh bạn và em của T.L.T.

Thấy con bị đánh, ông N.V.B. (SN 1957) chạy vào nhà lấy cây rựa ra rượt đuổi đám thanh niên. Ông B. vung rựa về phía T.L.T. nhưng bị “hụt”. Ngay sau đó, T.L.T. cũng “đáp trả” ông B. bằng một nhát rựa vào trán, khiến ông bất tỉnh. Với tỷ lệ thương tật 34% mà T.L.T. đã gây ra cho ông N.V.B., T. phải chịu mức án 3 năm 6 tháng tù giam, đồng thời bồi thường hơn 31 triệu đồng cho ông B.. Đến đây, sự việc có thể tạm kết thúc, thế nhưng, cả hai bên gia đình bị cáo và bị hại đều chưa “thỏa mãn”, tiếp tục tranh cãi “ai đúng, ai sai”, bên nào hơn, bên nào thiệt.

“Thưa tòa, xin cho tôi có ý kiến!”-ông T.V.S. giơ tay xin phép, “cắt ngang” phần xét hỏi của Hội đồng xét xử. Sau khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, ông đứng dậy, nói: “Tôi là cha của bị cáo. Con tôi đánh người như vậy là nó đã sai. Bản thân tôi và bị hại đều đã từng phải chấp hành án phạt tù nên giờ phải vào thăm nuôi con nữa thì thật lòng tôi không muốn. Xin tòa xem xét cho, bị hại là người lớn tuổi, cũng là bà con hàng xóm, họ hàng của nhau cả thôi, mà lại cầm rựa đánh nhau với tụi nhỏ, như vậy thì coi sao được!?”. Còn phía gia đình bị hại cũng “năm lần, bảy lượt” xin “phát biểu ý kiến”, một mực không đồng ý với mức bồi thường thiệt hại mà Viện kiểm sát đề nghị, muốn gia đình bị cáo phải “đền” thêm nhiều khoản chi phí khác do ảnh hưởng của thương tích gây ra…

Án phạt dành cho T.L.T. về hành vi côn đồ, hung hãn của mình chính là bài học “nhãn tiền” mà những người tham dự phiên tòa phải “ngộ” ra để tự “răn” mình, điều chỉnh thái độ, hành vi ứng xử cho đúng mực. Vì thế, thật đáng buồn khi sau lời tuyên án của Hội đồng xét xử, hai bên gia đình bị cáo và bị hại không những đã không giản hòa với nhau, mà còn tiếp tục “kéo dài” thêm mâu thuẫn bằng thái độ thách thức, khiêu khích qua lại. Thế nên, dù kết quả của cuộc “đấu khẩu” ấy nghiêng về bên nào, thì cả hai phía đều là những người thua cuộc, đều đã “dở” trong cách hành xử giữa làng xóm với nhau.