Chủ động điều tiết nước tưới hợp lý, phục vụ sản xuất vụ hè - thu hiệu quả

(NTO) Nhằm ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã chủ động xây dựng phương án điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất vụ hè-thu. Phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi về cụ thể công tác này.

Đồng chí Phạm Văn Hường
Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi

Phóng viên: Đồng chí cho biết tình hình tích nước ở các hồ chứa tại thời điểm hiện nay ở tỉnh ta và việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ hè-thu cho phù hợp?

Đồng chí Phạm Văn Hường: Những ngày qua, trên địa bàn các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc… có mưa nhưng chưa đủ lớn để bổ sung nước cho các hồ, đập. Hiện tại, dòng chảy ở các sông, suối đã cạn kiệt, lượng nước tại 20 hồ chứa trên toàn tỉnh do công ty quản lý chỉ còn 15/192,21 triệu m3, chiếm 7% tổng dung tích thiết kế. Với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, lượng nước ở các hồ chứa giảm ít nhất 230 nghìn m3/ngày, nếu không có mưa bổ sung, dự báo thời gian tới 20 hồ chứa sẽ cạn kiệt.

Từ thực tế khó khăn trên, chủ trương chung của tỉnh là ưu tiên lượng nước còn lại trên các hồ, đập cho sinh hoạt và chăn nuôi; kế hoạch sản xuất vụ hè-thu được điều chỉnh theo hướng giảm diện tích cây trồng sử dụng nhiều nước, tăng cường cây trồng chịu hạn. Theo đó, diện tích gieo trồng vụ hè- thu chỉ bố trí ở các vùng hưởng lợi nước tưới thuộc hệ thống Sông Pha, Nha Trinh- Lâm Cấm, dự kiến khoảng 16.246ha; trong đó, cây lúa 10.930ha, giảm 1.568ha; cây màu 5.334ha, giảm 2.739ha so với vụ đông-xuân.

Phóng viên: Thực tế, nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ hè-thu là rất lớn. Để đảm bảo nước cho cây trồng phát triển, đồng chí cho biết phương án điều tiết nước tưới ra sao?

Đồng chí Phạm Văn Hường: Nước sản xuất vụ này phụ thuộc vào hồ Đơn Dương (Lâm Đồng), nhưng mực nước ở hồ đã xuống thấp, hiện còn 51/165 triệu m3. Tình hình chưa mấy khả quan, vì lượng nước bổ sung vào hồ chỉ còn 7,06m3/s, trong khi đó lưu lượng nước đang xả lớn hơn nhiều 21,34m3/s. Tình hình trên khiến việc xuống giống vụ hè-thu ở tỉnh ta không thể thực hiện đồng loạt mà phải chia làm 2 đợt. Đợt 1, từ ngày 15-5 đến 25-5, phục vụ điều tiết nước của các khu vực đầu nguồn kênh Bắc, kênh Nam và các khu vực trũng thấp cho 10.000ha; trong đó, 8.000ha cây lúa, 2.000ha cây màu. Đợt 2, từ ngày 26-5 đến 10-6, tiếp tục điều tiết nước tại các khu vực cuối kênh và các khu vực gò cao cho số diện tích còn lại.

Để đảm bảo đủ nước tưới cho cả vụ, ngày 21-5 vừa qua, tỉnh đã làm việc với lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, thống nhất lịch điều tiết nước. Cụ thể, từ nay đến ngày 15-7, nhà máy ưu tiên xả nước với mức trung bình từ 15-17m3/s; thời gian cấp nước tối thiểu từ 16-18 giờ/ngày. Với lưu lượng xả khá lớn như vậy, giai đoạn đầu vụ không lo thiếu nước tưới. Tuy nhiên, đến giữa vụ, nguy cơ thiếu nước rất cao do Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch vào cuối tháng 7 sẽ đóng 1 đường ống dẫn nước của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim để thực hiện duy tu, bảo dưỡng định kỳ, khi đó lưu lượng xả nước giảm xuống còn 10-12m3/s. Thời điểm này lúa đang làm đòng, do đó tỉnh đã kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam dời thời gian sửa chữa đường ống vào tháng 8, để đủ nguồn nước cung cấp cho cây trồng phát triển. Tuy vậy, các ngành, địa phương phải chủ động đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra, tăng cường công tác chống hạn. Hiện nay, UBND tỉnh đã cấp kinh phí chống hạn đợt 1 cho các huyện, thành phố tổ chức đào ao, khoan giếng, nạo vét mở rộng kênh mương, kênh dẫn… với tổng số tiền là 17 tỷ đồng. Riêng công ty được cấp 2 tỷ đồng để mua nhiên liệu bơm nước chống hạn.

Sản xuất đang gặp khó khăn do nắng hạn kéo dài nhưng với sự vào cuộc đồng bộ, chủ động xây dựng kế hoạch chống hạn của ngành chức năng, các huyện, thành phố, tin rằng vụ hè- thu sẽ gặt hái được những kết quả nhất định.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !