Ninh Phước: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp

(NTO) Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Ninh Phước đã lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nổi bật là việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN) vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh các loại cây trồng có hàm lượng khoa học cao với quy mô lớn, mang lại kinh tế cao.

Ninh Phước có lợi thế về đất đai, nguồn nước cho phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Toàn huyện có tổng diện tích đất tự nhiên 342,3km2, trong đó đất canh tác nông nghiệp hằng năm gần 26.000 ha, nhờ đó đưa sản xuất nông nghiệp ở địa phương ngày càng tăng về quy mô, sản lượng, chất lượng. Những năm qua, Ninh Phước đã áp dụng nhiều mô hình sản xuất chuyển giao KHCN. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện triển khai 26 mô hình sản xuất, trong đó có nhiều mô hình mới đã được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm giá trị gia tăng.

Nông dân Ninh Phước chăm sóc vườn táo. Ảnh: Văn Miên

Nhiều năm qua, xã An Hải, Phước Hải được mệnh danh là “thủ phủ” rau an toàn của cả tỉnh. Có được điều này là do huyện xác định đúng hướng đi trong tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ việc triển khai có hiệu quả mô hình “Thâm canh cây hành tím trên nền đất cát theo hướng G.A.P” vào năm 2008, những năm sau đó nông dân đã áp dụng vào sản xuất một số loại rau như cải xanh, cà rốt, cà tím… cho thu nhập tăng thêm gần 30% so với trước đó. Việc áp dụng thành công các quy trình sản xuất rau sạch đã tạo nên thương hiệu “Rau an toàn An Hải” ngày càng có nhiều người biết đến. Vùng trồng rau An Hải, Phước Hải đang dần được mở rộng, thực hiện liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định. Ban đầu khi triển khai thí điểm chỉ có 2 ha, đến nay diện tích rau an toàn ở địa phương tăng lên 110 ha và đang tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.

Đối với sản xuất lúa, thành công có tính “đột phá” đó là Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm”, hình thành vùng chuyên canh cây trồng theo hướng tập trung, an toàn. Mô hình này ban đầu được triển tại thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu trong vụ đông-xuân 2010-2011 với quy mô 10 ha. Kết quả, mô hình giảm được nhiều chi phí, năng suất và lợi nhuận cao hơn 10% so với sản xuất thông thường. Mỗi ha lúa sản xuất theo mô hình giảm được hơn 100 kg giống, 35 kg phân đạm, 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 3,6% thất thoát khi thu hoạch. Vì vậy năng suất đạt bình quân 7,2 tấn/ha, cao hơn sản xuất thông thường 1 tấn. Từ chỗ chi phí đầu tư thấp, năng suất cao, nên thu nhập ruộng mô hình cao hơn sản xuất truyền thống 7,3 triệu đồng/ha. Chính nhờ ưu điểm vượt trội, nên mô hình thực sự lan tỏa rộng, tạo sự chuyển biến tích cực bắt đầu từ vụ đông-xuân 2014-2015 khi Huyện ủy, UBND huyện có chủ trương thực hiện Đề án “Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ KHCN giai đoạn 2014-2015”. Vụ đông-xuân vừa qua, mô hình được nhân ra trên tất cả 9 xã, thị trấn, với tổng diện tích 1.945 ha.

Cùng nằm trong khuôn khổ Đề án trên, mô hình “Sử dụng bẫy, bả sinh học phòng trừ ruồi đục quả táo” cũng được nhân rộng. Ninh Phước có diện tích cây táo lên đến 760 ha, sản lượng mỗi năm đạt trên dưới 30.000 tấn. Cùng với nho, táo đang dần “lên ngôi” nhờ giá trị kinh tế cao, hộ trồng 1 ha mỗi năm có thể thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng. Để giúp nông dân trồng táo giảm thiểu thiệt hại, hướng đến sản xuất bền vững, tháng 11-2011, được sự hỗ trợ của ngành chức năng, huyện triển khai mô hình “Sử dụng bẫy, bả sinh học trong phòng trừ ruồi đục quả táo”. Theo đó, 25 hộ ở xã Phước Sơn, Phước Hậu được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí để thực hiện mô hình trên quy mô 25 ha. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, mô hình đạt kết quả khả quan, tỷ lệ diệt ruồi đạt 94%, năng suất táo nhờ đó tăng 7,3%, thu nhập hộ trồng tăng thêm 25,4% so với sản xuất thông thường. Từ hiệu quả trên, hiện nay mô hình được nhân ra trên diện tích 221 ha, hình thành vùng sản xuất táo tập trung phi dịch hại, bảo đảm năng suất cao và chất lượng tốt.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, nhiều mô hình mới được áp dụng, chuyển từ nuôi phân tán, quảng canh, sang tập trung, vỗ béo. Nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng, như mô hình trồng táo, kết hợp chăn nuôi dê, cừu ở các xã Phước Sơn, Phước Hậu, Phước Thuận và thị trấn Phước Dân; sản xuất giống dê lai Bachboer ở Phước Hậu; sản xuất bắp gắn với nuôi heo ở xã Phước Vinh… Hoạt động ứng dụng KHCN có hiệu quả đã đưa ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng gần 20% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước cho biết: Thời gian tới, Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo các địa phương ứng dụng rộng rãi tiến bộ KHCN, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh cây lúa, mô hình tưới nước tiết kiệm, sản xuất rau an toàn, mô hình sản xuất bắp giống, mô hình chăn nuôi dê, bò, cừu vỗ béo... Xây dựng mối liên kết “4 nhà”, hướng nông nghiệp phát triển theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân