Chuyện khen thưởng năm học

(NTO) Có lẽ việc tổng kết năm học giờ không còn là chuyện riêng của thầy cô giáo, của nhà trường. Sự quan tâm của cha mẹ học sinh đến kết quả học tập, rèn luyện của con cái hàng năm, nhất là bậc tiểu học nền tảng của giáo dục phổ thông góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tổng kết thì phải có biểu dương khen thưởng nhưng khen thưởng như thế nào cho ý nghĩa. Câu chuyện sau đây nói về khen thưởng ở một trường học tiểu học.

Sáng chủ nhật nhóm bạn học cũ gặp nhau, ai ai cũng hồ hởi khoe con mình được nhà trường tặng giấy khen, thấy chị im lặng ngồi nghe, mọi cặp mắt dồn về có vẻ ái ngại. Cô bạn ngồi bên động viên: Này, con anh trai mình chỉ có môn văn thiếu 0,2 điểm nên không đạt học sinh giỏi, con cậu thông minh chịu khó học hành không được khen thưởng cũng chẳng có gì phải buồn. Nghe xong, chị nói: Đứa lớn con mình năm nay đứng thứ tư lớp chuyên, đứa nhỏ học lớp 1 được bầu nhất lớp, đứa nào cũng được tặng giấy khen về ngoan giỏi. Vậy sao nãy giờ cứ trầm ngâm như “cụ lớn” vậy, cô bạn vừa rồi góp thêm. Chị thủng thẳng: Có lẽ ngày xưa nhóm mình học giỏi nên giờ con cái đứa nào cũng giỏi, phải ăn mừng các cậu ạ. “Đúng, phải tổ chức tiệc mừng các cháu”, nhóm bạn ai nấy đồng thanh rồi bàn chuyện làm ở đâu, như thế nào…Đang lúc mọi người rôm rả, chị lên tiếng: Cái chuyện khen thưởng mình thấy nó gượng ép thế nào ấy, vậy nên có ăn mừng hay không các cậu nghe mình kể rồi hãy quyết định. “Bà này, U40 mà vẫn còn bệnh “hàn lâm”, thôi thì kể ngắn ngắn thôi để bọn mình tính”, chị bạn dáng cao cao vẻ sốt ruột. Rồi chị chậm rãi: Sáng thứ bảy vừa rồi mình đưa con tới trường dự tổng kết năm học, thấy thật ấn tượng: Nào biểu ngữ, cờ hoa trang trí trước cổng, trong sân, đội thiếu niên trong trang phục nghi thức đội với trống ếch, khối lớp 5 mặc trang phục trưởng thành…Sau ít phút sắp xếp đội hình các khối lớp, lễ tổng kết năm học bắt đầu. Cô hiệu trưởng lên trình bày báo cáo tổng kết năm học, nội dung hết sức ngắn gọn về những thành tích tốt đẹp mà thầy và trò đã nỗ lực đạt được. Sau phần phát biểu của chính quyền địa phương, trưởng ban tổ chức long trọng tuyên bố đến phần “sôi động nhất” của lễ tổng kết năm học: Khen thưởng. Nhìn lên lễ đài mới thấy phần thưởng xếp thành hàng, thành khối ngay ngắn mà nếu không có phông trang trí ta dễ nhầm tưởng đó là hàng hoá để cứu trợ gì đó. Số lượng giấy khen mà thầy cô đã trao trong lễ tổng kết cho thấy thành tích năm học “mỹ mãn” như lời ban tổ chức công bố: 397 giấy khen (chiếm 57% tổng số học sinh của trường) tặng cho “học sinh đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện”, 118 giấy khen (chiếm 17%) tặng cho “học sinh đạt thành tích trong học tập và rèn luyện” và khoảng gần 100 giấy khen tặng cho học sinh “giữ vở sạch chữ đẹp”, đạt giải olimpic tiếng Anh, giải toán trên internet…mà nếu tính đủ thì tạm gọi là “khen cả trường”!? Việc trao thưởng đúng là “sôi động” như trưởng ban tổ chức đã tuyên bố: Nào là Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà tài trợ trao thưởng, nào ban giám hiệu, thầy cô giáo các khối, giáo viên chủ nhiệm thay nhau trao thưởng. Lễ tổng kết năm học diễn ra khoảng hơn 4 giờ thì nội dung khen thưởng chiếm 3 giờ. Cái nắng mùa hè cháy bỏng, không khí sân trường ngột ngạt, nhìn cô giáo, các cháu học sinh mồ hôi nhễ nhại trong lúc trao thưởng thấy mà thương. Chứng kiến lễ tổng kết mình mới thấy khen nhiều cũng vui nhưng khổ thầy, khổ trò và đại biểu, phụ huynh cũng khổ lây. Con mình được nhà trường tặng hai giấy khen kể cũng mừng nhưng với tỉ lệ gần 80% học sinh được tặng giấy khen thì các bạn xem có lên ăn mừng hay không? Nghe xong đám bạn ai nấy nhìn nhau, cái sự phấn khởi hăng hái ban đầu tự dưng biến mất.

Khen thưởng là để ghi nhận thành tích, là sự tôn vinh đối với những học sinh đã nỗ lực vươn lên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Có thầy cô giáo nào mà không cảm thấy hạnh phúc khi trò mình dạy ngoan, giỏi và những người làm cha, mẹ cũng hết sức tự hào bởi con mình được nhà trường vinh danh. Việc khen thưởng vì thế phải được hết sức coi trọng, có tiêu chí cụ thể, xét chọn những gương xuất sắc tiêu biểu, tổ chức trao thưởng trang trọng, có như vậy các cháu học sinh, thầy cô giáo và cha mẹ phụ huynh mới thật sự tự hào. Có như vậy, khen thưởng mới trở thành nguồn lực nuôi dưỡng và chắp cánh cho các cháu học sinh vươn lên, bay cao, bay xa trong tương lai và đó cũng là yêu cầu đặt ra cho các trường học, cơ quan quản lý giáo dục hiện nay.