Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc trong “ mùa” hạn

(NTO) Rút kinh nghiệm những đợt hạn hán trước đây, trong vụ động-xuân này, các hộ chăn nuôi trong tỉnh tích cực tận thu phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho gia súc, chủ động ứng phó với thời tiết nắng nóng kéo dài.

Về Ninh Phước đúng dịp cao điểm thu hoạch lúa vụ đông–xuân, trên các thửa ruộng vừa gặt xong, bà con nhộn nhịp gom rơm về làm thức ăn cho gia súc. Chị Quảng Thị Đồng (xã Phước Hậu) chia sẻ: Vụ lúa này tôi làm 1ha. Trước đây, sau khi gặt xong, tôi chỉ gom một ít rơm về cho bò ăn dặm thêm, nhưng hiện nay phải tận thu hết. Nếu chịu khó gom toàn bộ số rơm trên đồng được khoảng 3 xe máy cày, đủ cho đàn bò 10 con ăn đến hết mùa khô.

Nông dân thị trấn Phước Dân, Ninh Phước gom rơm làm thức ăn dự trử cho đàn gia súc

Chia sẻ khó khăn chung, chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) cho biết, vụ đông-xuân này, người hỏi mua rơm rất nhiều, trong tỉnh, ngoài tỉnh đều có, nhưng chị chỉ bán rẻ cho người quen vì là muốn chia sẻ bớt một phần khó khăn với hộ chăn nuôi trong tỉnh.

Cũng để chủ động ứng phó với nắng hạn kéo dài, các hộ chăn nuôi còn di chuyển đàn gia súc đến những vùng trồng lúa vừa thu hoạch, tận dụng rạ trong ruộng cho gia súc ăn. Anh Trần Văn Nhã (thôn Khánh Nhơn 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) cho biết: Gia đình vừa mới mua 5 xe máy cày rơm, nhưng chưa vội cho bò ăn ngay mà để dành sử dụng khi thật cần thiết. Thời điểm hiện nay phải tận dụng tối đa các cánh đồng vừa thu hoạch xong làm nơi chăn thả. Đàn cừu của tôi được tách ra thành những nhóm nhỏ. Anh cho biết thêm: Đối với những con mạnh khỏe, di chuyển đến những nơi có thức ăn, nước uống; những con ốm yếu nhốt riêng trong chuồng cho ăn cỏ voi; còn cừu con thì cho uống thêm mật mía, thức ăn tinh bột. Với cách chăm sóc này, từ đầu mùa nắng hạn đến nay, chưa có con cừu nào bị chết do bệnh suy dinh dưỡng. Những hộ không có điều kiện mua rơm với số lượng lớn đã chủ động trồng bắp, bo bo để sau khi thu hoạch tận dụng thân cây làm thức ăn cho gia súc, chuyển đổi đất màu sang trồng cỏ voi. Tại các xã tâm hạn ở Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc… các vùng đất trồng hành, tỏi trước đây đã được phủ xanh cỏ voi và cây đậu các loại.

Tỉnh ta có tổng đàn gia súc có sừng lên đến 325.000 con, trong đó bò 125.000 con, số còn lại là dê, cừu. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc trước tình hình nắng hạn kéo dài, theo đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mắt là vận động tinh thần “tương thân tương ái” giữa các hộ trồng trọt với hộ chăn nuôi. Về lâu dài là tích cực chuyển đổi cây trồng để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào làm thức ăn cho gia súc.