Cứ phải hoành tráng...!!!

(NTO) Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mấy cô cậu sinh viên về quê nghỉ tết cứ trầm trồ “Sài Gòn giờ này thấy hoành tráng lắm, quê mình thì…”. Anh bạn tôi nghe các cháu nói chuyện mà ấm ức: “Tụi nó biết so sánh bao giờ cũng khập khiễng mà cứ so sánh!” - rồi tự nhủ: “Phải cho chúng biết thế nào là hoành tráng mới được”.

Nhưng rồi sau khi khảo sát thực tế, anh có dịp hiểu cái sự “hoành tráng”. Chuyện của anh có cái gì đó rất giống với đời thường nên xin chép lại để mọi người tham khảo, có thể qua đó rút ra điều có ích cho riêng mình.

Vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: Văn Miên

Anh có người bạn dân nghệ sĩ, mà nghệ sĩ thì có nói quá đôi chút cũng chẳng sao. Ví như từ vịnh Vĩnh Hy nhìn lên khu nghỉ dưỡng Amanơi với những ngôi nhà ẩn hiện dưới tán lá rừng là phán ngay “bồng lai tiên cảnh” đây rồi…! Quê mình đẹp thế mà sao nay mới biết. Cũng nhờ vậy mà dịp 30 tháng 4 vừa qua, nhóm công chức chúng tôi rủ nhau đi “phượt” tuyến đường ven biển quê nhà. Vừa đi vừa ngắm, thấy cảnh đẹp, dừng lại chụp ngay, cùng dòng chữ “Về quê khám phá-biển Ninh Thuận như nàng tiên thức giấc” rồi post lên mạng cho lũ bạn gần, xa biết. Nhận tin, mấy đứa bạn ở nước ngoài nghi ngờ: “Này, đừng có photoshop rồi xướng lên quê mình đẹp… hoàng tráng nhé!”. Sau khi gây “bão” cho bạn bè, nhóm phượt dựng lại các đoạn video clip và phát lên màn hình tivi cùng nhau xem. Bắt đầu từ Phan Rang qua cầu Ninh Chử, rồi khu vực muối Đầm Vua, khu Bảo tồn Núi Chúa, vịnh Vĩnh Hy, biển Bình Tiên… và quay về cầu An Đông, vòng qua An Thạnh, đến khu vực đồi cát Nam Cương… Con đường ven biển với những bãi cát hoang sơ, vách đá nhấp nhô, sóng vỗ dạt dào cùng với núi, đồi lúc ẩn, lúc hiện tạo nên vẻ đẹp thuần khiết, huyền bí, cuốn hút những ai thích du lịch khám phá. Và không cần phải nói quá nữa, họ cùng nhau thốt lên: “Quê mình đẹp thật!”.

Yêu quê hương, ca ngợi quê mình lên một chút cũng dễ cảm thông. Người Việt mình vốn thế “trong nhà mới ra ngoài ngõ-cứ phải nhất mẹ, nhì con”. Nhưng ở đời, cái gì cũng phải có giới hạn, nếu vượt quá có nguy cơ trở thành lạc lõng. Đơn cử như xã nọ, nhân dịp tết đến xuân về, tổ chức ngày hội văn hoá, thể thao dân tộc liên xã, qua đó tuyên truyền, giới thiệu và gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc, các trò chơi dân gian. Công tác tổ chức khá chu đáo tạo nên sân chơi bổ ích cho nhân dân, bà con trong xã và vùng xung quanh. Hết “hội”, bà con lại trở về với nương rẫy, sản xuất, chăn nuôi bởi họ phải lo cái bụng trước đã. Trong báo cáo tổng kết năm công tác của xã thì đánh giá “tổ chức ngày hội hoành tráng, thành công ngoài mong đợi”, nhưng xét theo mục đích ban đầu của xã, xem ra “thành” thì có, còn “công” thì chưa thấy đâu. Dù sao thì ngày hội cũng để lại nhiều dư âm, ấn tượng tốt đẹp đối với người dân nhưng nếu để ý một chút thì cái sự “hoành tráng”, “thành công” không phải chỉ riêng xã nọ mà nay đã trở thành chuyện thường ngày. Thế nên mới có việc một số cơ quan, đơn vị khi tổ chức các lễ hội, sự kiện, tổng kết… dù đang trong quá trình chuẩn bị hay mới bắt đầu diễn ra người ta đều nghĩ đến kết quả là “thành công tốt đẹp”. Vậy nên người xưa nói “con hát, mẹ khen hay”, nay nên đổi lại “mẹ hát, mẹ khen hay”!?

Từ việc “cứ phải hoành tráng” như trên, bên cạnh cái được có thể tạo nên hệ lụy dễ dẫn đến sự “ảo giác” ru ngủ bản thân. Thiết nghĩ, trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, mỗi sự kiện, sự việc cần được các cơ quan, đơn vị và cá nhân xem xét tổng kết, đánh giá đúng với bản chất thực của nó, có như vậy mới rút ra bài học đúng đắn để xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương mình ngày càng phát triển bền vững.