Thế giới trong tuần

1. Vấn đề người di cư trên biển đang trở thành mối lo của nhiều quốc gia và khu vực.

Indonesia cho biết, nước này đang tích cực làm việc với Cao ủy LHQ về Người tị nạn và Tổ chức di trú quốc tế để cùng phối hợp cứu trợ những người di cư mắc kẹt trên biển. Trước đó, Indonesia và Malaysia đã đồng ý cung cấp nơi trú ngụ tạm thời cho hàng ngàn người di cư Rohingya tới khu vực Aceh và phía Bắc Sumatra, đồng thời tiến hành cứu hộ những người di cư khác được cho là đang bị mắc kẹt trên biển Andaman.

Ba quốc gia chính ở Đông Nam Á đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư là Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đã yêu cầu các tổ chức và những bên đã bày tỏ mối quan tâm đối với vấn đề này trợ giúp. Indonesia cũng đã tổ chức một cuộc họp với các quan chức Myanmar để giải quyết triệt để vấn đề.

Giới chức Malaysia cũng cho biết, lực lượng hải quân nước này đã bắt đầu chiến dịch tìm kiếm cứu nạn trên biển, trong một động thái nhằm giải quyết vấn đề người di cư tại khu vực Đông Nam Á.

Tương tự, vấn đề người di cư vượt biển để vào châu Âu cũng đang ngày càng trở nên trầm trọng. Liên minh châu Âu (EU) cho biết, họ vẫn đang chờ đợi một nghị quyết của LHQ về đối phó với nạn buôn người, nhằm từng bước giải quyết vấn đề người di cư.

2. Căng thẳng mới trên Biển Đông đang trở thành điểm nóng trên thế giới. Tại Hội thảo quốc tế về “Căng thẳng mới trên Biển Đông” diễn ra tại Pháp, các học giả quốc tế đã phân tích các khía cạnh của tình hình hiện nay trên Biển Đông, trong đó đánh giá căng thẳng trên Biển Đông đang biến vùng biển này thành một điểm nóng trên thế giới.

Từ năm 2012, tình hình đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Đỉnh điểm của những căng thẳng này là việc tháng 5-2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục leo thang với việc gia tăng tiềm lực quân sự của các quốc gia trong khu vực. Những thách thức ở đây ngày càng cấp bách và cần có giải pháp cho những vấn đề đó.

Hội thảo đã phân tích sách lược của các quốc gia ven Biển Đông, các yếu tố tác động đến tình hình và triển vọng tìm giải pháp làm giảm căng thẳng tại khu vực Biển Đông cũng như vai trò của Liên Hợp Quốc và hiệu quả của luật pháp quốc tế áp dụng trong trường hợp này.

Một diễn biến liên quan, ngày 22-5, Mỹ tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục tuần tra trên không và trên biển sau khi hải quân Trung Quốc liên tục cảnh báo về một máy bay do thám của Mỹ bay trên không phận các khu vực xung quanh bãi đá mà Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông. 

Trả lời trong một cuộc họp báo ở Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho biết, Mỹ sẽ còn tiến hành nhiều chuyến bay hơn nữa để bảo đảm quyền di chuyển của các nước trong vùng biển quốc tế và vùng không phận quốc tế...

3. Mỹ và Cuba đã bắt đầu vòng đàm phán thứ tư ở thủ đô Washington. Hai bên tiếp tục thảo luận những nội dung liên quan đến nỗ lực khôi phục đầy đủ quan hệ ngoại giao song phương và mở lại các Đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước sau hơn nửa thế kỷ. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước Washington cho là bảo trợ khủng bố hôm 14-4 vừa qua và có hiệu lực từ sau ngày 29-5 tới. Đây là bước đi Cuba khẳng định phải diễn ra trước khi hai nước mở lại Đại sứ quán.

Trước thềm vòng đàm phán, phía Washington cũng đã có một loạt động thái bày tỏ thiện chí như: mở tuyến tàu thủy thương mại từ Florida tới Cuba, mở đường bay từ New York đến La Habana và mới đây nhất là nối lại quan hệ trong lĩnh vực ngân hàng với Cuba.

Sau khi hai bên đã vượt qua rất nhiều khác biệt và những tiến triển nhanh chóng gần đây trong quá trình tan băng quan hệ song phương, dư luận hy vọng vòng đàm phán thứ tư có thể sẽ là vòng đàm phán cuối cùng trước khi Washington và La Habana tuyên bố mở lại các Đại sứ quán.