Tháng 5, gặp lại tác giả bài hát “Làng Chăm ơn Bác”

(NTO) Đã nhiều lần nghe bài hát “Làng Chăm ơn Bác”, nhưng lần nào trong lòng tôi cũng dâng trào cảm xúc mạnh mẽ. Cảm xúc về lòng kính yêu, niềm tự hào lãnh tụ, cảm xúc về niềm tin yêu, niềm tự hào dân tộc. Đặc biệt trong những ngày tháng 5 lịch sử này, tôi lại được nghe chính nhạc sĩ A Mư Nhân ôm đàn hát bài của mình thì cảm xúc ấy càng trào dâng.

Nhạc sĩ A Mư Nhân kể: Bài hát “Làng Chăm ơn Bác” được ông sáng tác trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Khi ấy, ông hơn ba mươi tuổi, mới bước vào làng sáng tác âm nhạc. Thế nhưng khi nghe lãnh đạo của Đoàn ca múa Thuận Hải (cũ) khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác bài hát về Bác để tham gia Hội thi Tiếng hát Làng Sen lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 5-1985, tại Nghệ An, kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh của Bác Hồ kính yêu. Tuổi trẻ, mới bước vào nghề sáng tác, lại được sống trong không khí của những ngày tháng 5 lịch sử, tất cả những yếu tố đó ùa vào trong ông, nhạc sĩ A Mư Nhân nghĩ mình phải sáng tác một bài hát về Bác. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng khi bắt tay vào viết thì không phải dễ. Bởi bài hát về Bác đã có quá nhiều, nhiều bài quá hay, quá nổi tiếng… Cuối cùng ông cũng tìm ra ý tưởng cho bài hát của mình, thế nhưng chọn giai điệu nào cho bài hát, sau nhiều ngày suy nghĩ, A Mư Nhân quyết định chọn giai điệu Anh hùng ca của dân ca Chăm. Bài hát “Làng Chăm ơn Bác” ngay khi ráp nhạc đã làm nhiều người sửng sốt, ngạc nhiên và mọi người đều nghĩ rằng: Tiết mục này chắc chắn đoạt giải cao. Nhạc sĩ A Mư Nhân nhớ lại: Khi ông mặc trang phục Chăm bước ra sân khấu biểu biễn, mới hát được khúc dạo đầu: “Từ làng Chăm xa xôi/ nay con về thăm quê Bác/ nghe trong lòng bao thương nhớ/” cả hội trường đã im phăng phắc vì xúc động. Khi hát xong, nhiều người mắt đỏ hoe, sau đó là tiếng vỡ òa của những lời khen, lời bình luận, nhiều người chạy lên tặng hoa. Người nhạc sĩ trẻ kiêm ca sĩ đi ra từ một làng Chăm Phú Nhuận, tỉnh Ninh Thuận, không ngờ bài hát của mình lại thành công, lại được đón nhận nhiệt thành đến như vậy. Bài hát “Làng Chăm ơn Bác” đoạt Huy chương Vàng và được đánh giá là bài hát hay nhất viết về Bác tại Hội diễn.

Nhạc sĩ Amư Nhân tác giả ca khúc Làng Chăm ơn Bác. Ảnh: Sơn Ngọc

Sau thành công tại Tiếng hát Làng Sen, “Làng Chăm ơn Bác” trở thành bài hát ruột của Đoàn ca múa Thuận Hải, biểu diễn ở trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong hành trang đều có bài hát này, đi đến đâu cũng được nhân dân chào đón nhiệt tình. Không dừng lại ở đó, một tháng sau Hội thi Tiếng hát làng Sen, Nhà văn hóa Trung ương đã chọn 9 tiết mục xuất sắc nhất đi biểu diễn tại Cu Ba, và nhiều nước châu Âu khác. Sau này bài hát còn mang lại thành công cho một số ca sĩ tham gia các Hội thi toàn quốc khi chọn “Làng Chăm ơn Bác” là tác phẩm dự thi của mình.

Tại sao bài hát “Làng Chăm ơn Bác” lại thành công và có sức lan tỏa rộng rãi đến như vậy? Phải chăng do ca từ bài hát thật mộc mạc, giản dị, mà thiết tha, hùng tráng, trực tiếp thể hiện tình cảm, không màu mè, hoa mỹ, giống như cách nghĩ, cách bày tỏ tình cảm của đồng bào Chăm đối với Bác: “Người Chăm luôn ghi nhớ ơn của Bác Hồ vĩ đại/ nhìn về tương lai muôn niềm tin dâng trào ước mơ”. Đặc biệt là bài hát được dựa trên giai điệu của dân ca Chăm. Đoạn 1 theo điệu Ađiya (điệu ngâm Chăm); đoạn 2 dựa theo điệu Kathun (Anh hùng ca), biểu hiện sự mạnh mẽ; đoạn 3 phát triển nhưng vẫn dựa theo điệu anh hùng ca, tiết tấu hiện đại, ca từ chặt chẽ. Đặc biệt là hai câu kết tạo âm hưởng vang vọng mà sâu lắng, trữ tình, có sức lay động mạnh mẽ người nghe:

“Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam

Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm”.

Sau thành công của “Làng Chăm ơn Bác” đã mở đường cho nhạc sĩ A Mư Nhân thành công trong hàng loạt sáng tác, chất liệu dân ca Chăm vẫn là cái móng vững chắc cho sáng tạo của ông. Tiêu biểu như các ca khúc: “Bến nước tình yêu”, “Áp sa ra vũ nữ Chăm”, “Điệu ru đất Tháp”, “Sợi chỉ đủ màu”, “Làng gốm quê tôi”… Nhạc sĩ tài ba người Chăm vinh dự nhiều lần đoạt giải A do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng hàng năm cho sáng tác ca khúc, những tác phẩm do chính ông sáng tác và biểu diễn cũng đoạt nhiều huy chương tại hội diễn văn nghệ toàn quốc hoặc khu vực. Với những đóng góp đó, năm 2007, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú.

Dù bài hát “Làng Chăm ơn Bác” đã có tuổi đời 30 năm, song sức sống của nó đã vượt thời gian. Một đời sáng tác chỉ cần một bài hát để đời như vậy đã là đủ. Nhưng nhạc sĩ A Mư Nhân đã làm được nhiều hơn thế và ông còn tiếp tục thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.