Quốc hội thảo luận về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 21/5, các đại biểu làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo giải trình,
tiếp thu, chỉnh lý của dự án Luật NVQS (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Thảo luận về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), các đại biểu nhất trí với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần còn một số nội dung trong dự thảo cần được rà soát, chỉnh lý cho hợp với thực tiễn như: Độ tuổi gọi nhập ngũ; đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự; về thời hạn phục vụ tại ngũ; về công dân nữ phục vụ tại ngũ…

Về độ tuổi gọi nhập ngũ, nhiều ý kiến nhất trí như dự thảo Luật Chính phủ trình và đề nghị kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với cán bộ, công chức được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến 27 hoặc đề nghị thống nhất độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến 27 tuổi.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật về thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) theo quy định của Hiến pháp, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang và bảo đảm nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ độ tuổi gọi nhập ngũ như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, cần rà soát và quy định cụ thể về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình là từ 18 đến 27 tuổi vì NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của mọi công dân Việt Nam do đó cần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam đủ điều kiện tham gia NVQS.

Đại biểu cũng cho rằng, trong thời bình thì mỗi người đủ điều kiện chỉ được nhập ngũ một lần do đó việc quy định độ tuổi nhập ngũ từ đủ 18 đến 27 tuổi là phù hợp. Vì đây là độ tuổi còn trẻ đủ điều kiện cho công dân nhập ngũ.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lại cho rằng nên giữ nguyên quy định độ tuổi nhập ngũ từ 18 đến 25 tuổi theo Luật hiện hành. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị, khi cần bổ sung số lượng người nhập ngũ thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trước một năm để chuẩn bị cho việc gọi sinh viên đã tốt nghiệp nhập ngũ theo đúng số lượng.

Liên quan đến đối tượng đăng ký NVQS, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về việc đăng ký NVQS đối với công dân ra nước ngoài học tập, lao động, công tác.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), theo Luật quốc tịch Việt Nam: người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ một số trường hợp được quy định với các điều kiện chặt chẽ do Chủ tịch nước quyết định. Thực tế, số đối tượng này thực hiện NVQS rất ít và chưa gọi nhập ngũ trường hợp nào. Do đó, đề nghị Quốc hội chưa quy định nội dung này trong Luật.

Về đề nghị nghiên cứu quy định việc đăng ký NVQS và phục vụ tại ngũ đối với công dân nữ và quy định riêng đối với người đồng tính, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết: Luật NVQS hiện hành và dự thảo Luật do Chính phủ trình chỉ quy định việc đăng ký NVQS và thực hiện NVQS là bắt buộc đối với công dân nam.

Đối với công dân nữ thì chỉ quy định người có chuyên môn phù hợp với quân đội nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ và được đăng ký vào ngạch dự bị, khi có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì được động viên vào phục vụ tại ngũ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, quy định như trên vừa phù hợp với quy định của Hiến pháp: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và vai trò của người phụ nữ ở hậu phương. Hơn nữa, vấn đề này đã được thực hiện theo luật NVQS hiện hành, ổn định và phù hợp với thực tiễn.

Về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ. Dự thảo Luật quy định trước khi nhập ngũ mà đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội thì khi xuất ngũ, cơ quan đó phải có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí việc làm, bảo đảm tiền lương tương xứng với vị trí việc làm trước khi nhập ngũ. Nếu cơ quan, tổ chức cũ đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên có trách nhiệm giải quyết việc làm.

Theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, quy định như vậy để đảm bảo tính ràng buộc các tổ chức phải lo việc làm cho thanh niên khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về.

Về vấn đề này, một số đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung chế độ, chính sách cho hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ như phụ cấp kéo dài thời gian phục vụ, chế độ nghỉ đột xuất của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam