Giải "bài toán" nước tưới trong vụ hè - thu

(NTO) Chưa có vụ mùa nào sản xuất lại khó khăn như vụ hè - thu năm nay. Tình hình hạn hán, thiếu nước đang xảy ra hết sức gay gắt - đó là khẳng định của đồng chí Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Ccông trình Thủy lợi.

Thiếu nước sản xuất là điều dễ nhận thấy trong vụ này khi lượng nước ở 20 hồ chứa trên toàn tỉnh tính đến cuối tháng 5 chỉ còn tích được khoảng 17/192,21 triệu m3, chiếm 8% tổng dung tích thiết kế. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, mỗi ngày lượng nước ở các hồ chứa giảm khoảng 230 ngàn/m3, dự báo thời gian tới nếu không có mưa bổ sung tất cả các hồ chứa sẽ cạn kiệt.

Nông dân thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cày ải sản xuất vụ hè - thu 2015.

Trước thực tế khó khăn, các địa phương đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tập trung gieo trồng hết diện tích điều tiết nước từ hệ thống Thủy điện Đa Nhim. Các khu vực tưới thuộc hồ, đập nếu có mưa sẽ chủ động điều chỉnh kịp thời, nhưng chỉ tập trung gieo trồng các loại cây ít sử dụng nước như: bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi. Theo kế hoạch, tổng diện tích gieo trồng vụ hè-thu là 16.179 ha, trong đó cây lúa 10.930 ha, giảm 1.989 ha so với vụ đông - xuân.

Với quyết tâm tiết kiệm tối đa nước tưới, nhằm đảm bảo sản xuất có hiệu quả, vụ hè - thu này các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng. Dự kiến diện tích chuyển đổi là 500 ha, trong đó, chuyển 340 ha đất lúa sang trồng đậu xanh, dưa hấu, bắp lai, 160 ha đất màu sang trồng cỏ chăn nuôi. Thuận Bắc là huyện có diện tích đất lúa chuyển qua trồng màu lớn nhất, lên đến 200 ha. Đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để giảm áp lực về nguồn nước phục vụ sản xuất, UBND huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng vụ hè - thu cho một số vùng thuộc hệ thống hồ Bà Râu và hồ Sông Trâu. Cụ thể, xã Bắc Phong chuyển 60 ha đất lúa ở vùng đồng Huyện đội, đồng Ba Tháp; xã Lợi Hải chuyển 50 ha vùng hồ Bà Râu; xã Công Hải 70 ha khu vực vùng tưới kênh N1-16 hồ Sông Trâu sang trồng bắp; đồng thời, chuyển 20 ha đất lúa ở đồng Đèo Quýt và đồng Hiệp Kiết sang trồng đậu xanh. Huyện Ninh Phước cũng chuyển 140 ha đất lúa sang trồng bắp và đậu xanh. Riêng các huyện vùng cao như Bác Ái, Ninh Sơn tập trung trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc.

Bên cạnh chuyển đổi cây trồng, các địa phương cũng đẩy mạnh áp dụng các mô hình tiết kiệm nước để ứng phó với thời tiết khô hạn. Đối với cây lúa, nếu như những vụ trước sau khi thu hoạch xong tận dụng lượng nước còn dư lại trên đồng ruộng bà con tranh thủ làm đất xuống giống ngay, nhưng vụ này ngược lại: Các cánh đồng được phơi khô nhiều ngày để cày ải nhằm tiêu diệt các sinh vật gây hại trên đồng ruộng, đất được tơi xốp. Nét nổi bật trong vụ này, đó là, ngoài thực hiện các giải pháp chống hạn như nạo vét, tu sửa hệ thống kênh mương, ngành chức năng, các địa phương vận động nông dân áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm theo phương pháp “nông - lộ - phơi”. Kết quả mô hình đã áp dụng có hiệu quả trong vụ đông - xuân ở huyện Thuận Bắc cho thấy phương pháp tưới này năng suất cây trồng đạt cao, tiết kiệm được 30% nước tưới. Riêng các loại cây màu, cây ăn trái áp dụng mô hình tưới phun tầm thấp, tưới phun qua đầu trên cây hành, tỏi, rau, đậu các loại. Mô hình đã triển khai có hiệu quả ở vùng đất cát ven biển trong vụ đông - xuân, quy mô 225 ha.

Ghi nhận tại các địa phương, mặc dù phải đối mặt với khó khăn do nắng hạn, nhưng tinh thần chung của nông dân bước vào sản xuất vụ hè - thu là rất phấn khởi bởi có sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng, chính quyền các cấp. Cụ thể, Chi cục Bảo vệ thực vật đang tập trung mở các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân thực hiện kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, bảo vệ cây lúa; nhân rộng mô hình

“1 phải, 5 giảm”, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Trung tâm Khuyến Nông - Khuyến ngư triển khai các mô hình luân canh cây trồng ở những vùng thiếu nước. Các Công ty giống cây trồng chuẩn bị các loại giống chất lượng cao, có khả năng chịu nắng hạn tốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất của vụ hè- thu. Để triển khai tốt kế hoạch chuyển đổi cây trồng cạn, huyện Thuận Bắc đang tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức nông dân. Xã Lợi Hải, Công Hải, Bắc Phong thành lập các tổ, nhóm sản xuất (mỗi tổ 15-20 hộ) để thuận tiện cho việc xuống giống, theo nước. Địa phương cũng đã tổ chức hỗ trợ kịp thời giống bắp, đậu xanh cho các hộ tại khu vực chuyển đổi cây trồng

Theo lịch thời vụ, kết thúc xuống giống vụ hè-thu chậm nhất không quá ngày 10 - 6.