Ninh Phước đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững

(NTO) Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Ninh Phước đã lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, gắn với đảm bảo an sinh xã hội. Từ trên 12,05% hộ nghèo (năm 2011), đến năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 4,74%, giảm 7,31%, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,46%, vượt 0,26% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đề ra.

Để triển khai công tác xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa X, Huyện ủy Ninh Phước đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 20-12-2011 về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đào tạo lao động và giải quyết việc làm, gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015” nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực vào công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

 
Nông dân xã An Hải trồng rau theo mô hình VietGAP, nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Miên

Bên cạnh các chương trình và chính sách giảm nghèo của Chính phủ, của tỉnh, huyện Ninh Phước đã tập trung phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các xã, thị trấn đặc biệt là các thôn, xã khó khăn. Tập trung nguồn lực triển khai có kết quả, sớm phát huy hiệu quả đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp liên quan đến phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội. Trong 5 năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.498 tỷ đồng, trong đó nhân dân và các thành phần kinh tế đóng góp trên 1.054 tỷ đồng, chủ yếu đóng góp xây dựng nông thôn mới, đầu tư tăng năng lực sản xuất. Kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư xây dựng phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống, nhất là các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Đầu tư phát triển làng nghề Gốm Bàu Trúc, Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ; hỗ trợ trên 1,97 tỷ đồng về vật tư, giống cây trồng phục vụ sản xuất vùng khó khăn tại các xã Phước Thái, Phước Vinh, Phước Hải và An Hải; triển khai chương trình tín dụng phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại 3 xã Phước Thái, Phước Vinh và An Hải, với số vốn 1,44 tỷ đồng; xây dựng 7 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các xã, với tổng kinh phí trên 12,5 tỷ đồng.

Huyện đã tập trung thực hiện các chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học và công nghệ, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Chú trọng phát triển, nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh cây lúa, mô hình tưới nước tiết kiệm, sản xuất rau an toàn, mô hình sản xuất bắp giống, mô hình chăn nuôi dê, bò, cừu vỗ béo... góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân.

Cấp ủy và chính quyền luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp. Đến cuối năm 2015, dư nợ hộ nghèo qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 350 tỷ đồng, tăng 1,66 lần so với năm 2010. Được vay vốn sản xuất, giải quyết việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt… đã giúp hàng nghìn hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số có vốn đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Cùng với đó, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bình quân mỗi năm, huyện đào tạo trên 400 lao động, đạt tỷ lệ 100,75%, trong đó quan tâm lao động nữ, lao động người dân tộc thiểu số; nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề từ 19% (năm 2010) lên 33% (năm 2015). Trong nhiệm kỳ, đã giải quyết việc làm cho 14.241 lao động, đạt 101,71% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Đồng chí Nguyên Thanh Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện, chia sẻ: Để có nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo, dưới sự chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của Huyện ủy, UBND huyện và sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp... và sự tham gia tích cực bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của toàn dân thông qua các phong trào vận động xây dựng Quỹ “Ngày vì người nghèo”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Nông dân sản xuất giỏi”, “Thanh niên lập nghiệp”… từ đó công tác hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo ngày càng được phát huy.

Đồng chí Nguyễn Đô, Phó Bí thư Huyện ủy, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, công tác giảm nghèo ở huyện Ninh Phước được nâng lên về chất lượng theo hướng bền vững, trên nền tảng những thành tựu KT-XH đạt được khá toàn diện, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao. Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân trong công tác xóa đói, giảm nghèo đã góp phần thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.