Tháo gỡ khó khăn để ngư dân vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ

(NTO) Ngày 7-7-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Để hiểu rõ hơn việc triển khai thực hiện nghị định trên, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Ngọc Niên, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh.

Phóng viên: Nghị định 67 của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho ngư dân được vay vốn ưu đãi để nâng cấp, đóng mới tàu thuyền phục vụ cho khai thác thuỷ sản. Vậy ông cho biết việc thực hiện ở tỉnh ta hiện nay?

Đồng chí Vũ Ngọc Niên,
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh

Đồng chí Vũ Ngọc Niên: Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, theo chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Ninh Thuận được phân bổ 71 chiếc tàu, trong đó tàu khai thác là 66 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 5 chiếc.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh với tư cách là thành viên Ban chỉ đạo đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn số 129/HD-UBND ngày 12-1-2015 về Trình tự, thủ tục đăng ký, xét duyệt, thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu theo chính sách tín dụng tại Nghị định 67. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn khẩn trương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp cận thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án đủ điều kiện cho vay. Ngày 5-3-2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 502/QĐ-UBND phê duyệt danh sách (đợt 1) ngư dân đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ đóng mới 13 tàu (3 tàu dịch vụ hậu cần và 10 tàu khai thác), trong đó huyện Ninh Hải 7 tàu và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 6 tàu. Theo vật liệu có 4 tàu composit, 7 tàu gỗ bọc composit, 1 tàu gỗ và 1 tàu sắt, tổng vốn đầu tư 104,5 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng 78,95 tỷ đồng, chiếm 75,55%. Hiện Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đang hướng dẫn các chủ dự án hoàn thiện hồ sơ vay vốn và sẽ tiến hành giải ngân trong tháng 5-2015.

 
Ngư dân Ninh Hải chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến biển mới. Ảnh: Văn Miên

Phóng viên: Trong quá trình triển khai, theo ông có gì khó khăn, vướng mắc và thời gian tới, ngành có giải pháp, chỉ đạo ra sao để các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện nhằm sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống?

Đồng chí Vũ Ngọc Niên: Hiện khó khăn từ các chủ dự án chủ yếu là phần vốn đối ứng tham gia dự án với số tiền không nhỏ, tàu cải hoán đã thế chấp cho khoản vay trước đó; mặt khác, bà con ngư dân băn khoăn là quy định tàu khi nâng cấp phải sử dụng máy mới 100% nhưng ngư dân muốn sử dụng máy cũ để giảm chi phí khi đóng mới tàu. Chi phí đóng tàu tại thời điểm hiện nay tăng so với dự toán sơ bộ ban đầu vì thế ngư dân bị động về vốn tham gia vào dự án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thông báo các cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới tàu vỏ gỗ, vỏ gỗ bọc composit, nhưng lại không thông báo mẫu tàu đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ thuật và được duyệt như tàu vỏ sắt. Dự toán chi phí đóng tàu vỏ gỗ, vỏ gỗ bọc composit đòi hỏi quá trình tìm hiểu và tham chiếu nhiều tài liệu và chưa có cơ sở dữ liệu để so sánh, đánh giá giá trị con tàu hình thành trong tương lai.

Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị định số 67 của Chính phủ và thực hiện chỉ đạo của NHNN, ngành Ngân hàng trên địa bàn cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp cụ thể. Đó là, đối với Chi nhánh các NHTM, chủ động cân đối nguồn vốn và tích cực triển khai cho vay các chủ tàu đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định và hướng dẫn của NHNN. Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn, lập các tổ công tác trực tiếp xuống các xã, phường, thị trấn để hướng dẫn và giúp người dân hoàn thiện thủ tục vay vốn theo quy định. Ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục thẩm định dự án, phương án vay vốn theo Nghị định 67 và Thông tư 22/2014/TT-NHNN của NHNN Hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67 của khách hàng theo hướng đơn giản, phù hợp với quy định của pháp luật và trình độ của khách hàng, không chồng chéo với thủ tục phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn của UBND tỉnh; rút ngắn thời gian thẩm định và thông báo kịp thời kết quả thẩm định cho khách hàng.

Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch khẩn trương tiếp cận các chủ tàu sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Tạo điều kiện để khách hàng được vay mức cao nhất theo quy định của NĐ 67; không bắt buộc chủ tàu phải bổ sung thêm tài sản bảo đảm. Việc cho vay vốn lưu động theo quy định hiện hành, tuy nhiên có thể xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm khi chủ tàu tham gia liên kết chuỗi từ khâu khai thác, chế biến đến tiêu thụ. Chủ động cung cấp thông tin về chính sách cho vay của NH theo NĐ 67/2014/NĐ-CP và Thông tư 22/2014/TT-NHNN; Thông báo số điện thoại thường trực của đơn vị mình để tiếp nhận và xử lý kịp thời ý kiến phản ánh của người dân.

Đối với Chi nhánh NHNN tỉnh, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch triển khai NĐ 67, bao gồm cho phép các NHTM tham gia Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc BCĐ thực hiện NĐ 67 của tỉnh nhằm rút ngắn thời gian thẩm định cho vay; chỉ đạo, giám sát các NHTM trên địa bàn việc triển khai cho vay các chủ tàu trong danh sách đã được UBND tỉnh phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch và xử lý kịp thời cán bộ NH cố tình vi phạm các quy định trong việc cho vay.

Thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chỉ đạo của ngành về hoạt động tiền tệ nói chung và triển khai NĐ 67. Thông báo số điện thoại thường trực của chi nhánh để tiếp nhận và xử lý kịp thời những vướng mắc của người dân và NHTM liên quan đến việc triển khai chính sách tín dụng của ngành NH theo Nghị định 67. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo NHNN Việt Nam và UBND tỉnh, để xem xét tháo gỡ.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm hệ thống chính sách để hỗ trợ phát triển thuỷ sản, vì vậy để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đề nghị các địa phương, ban, ngành liên quan thường xuyên phối hợp chặt chẽ với NH để cùng nhau tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !.