“Một cửa” nhưng phải thông suốt !

(NTO) Vừa qua, Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014. Theo đó, tỉnh ta xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố, tăng thêm 9 bậc so với năm 2013.

Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1. chi phí gia nhập thị trường thấp; 2. tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3. môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4. chi phí không chính thức thấp; 5. thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6. môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7. lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8. dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9. chính sách đào tạo lao động tốt; và 10. thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

 
Bộ phận "Một cửa liên thông" Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Ảnh: Xuân Bính

Theo đánh giá chung, qua khảo sát PCI năm 2014 đã ghi nhận có nhiều cải thiện rõ rệt, nhất là ở lĩnh vực “Gia nhập thị trường”, tiếp đến là “Tính minh bạch”, “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, “Đào tạo lao động” và “Chi phí thời gian”. So với kết quả chỉ số PCI năm trước, một tỉnh trung vị cho thấy: Thời gian chờ đợi của doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động giảm; Chất lượng và hiệu quả vận hành của các bộ phận “Một cửa” tăng lên; Doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, vai trò của các hiệp hội địa phương được khẳng định; Mức độ hài lòng về chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động tăng lên. Ngược lại, qua khảo sát cũng chỉ ra những lĩnh vực điều hành cần cải thiện: đó là những sụt giảm đáng lo ngại ở lĩnh vực “Chi phí không chính thức”, “Tính năng động” và “Tiếp cận đất đai”. Đánh giá cả ba lĩnh vực này, doanh nghiệp tại tỉnh trung vị thể hiện tâm lý bi quan nhất kể từ khi tiến hành điều tra PCI trên tất cả các tỉnh, thành phố.

Đối với tỉnh ta, xét theo điểm số của từng chỉ số thành phần nêu trên, cho thấy ngoài 2 tiêu chí giảm điểm hơn năm 2013 đó là “Gia nhập thị trường” (7,75/8,59 điểm) và “Thiết chế pháp lý” tuy bằng điểm của năm 2011, cao hơn 2012 nhưng thấp hơn 2013 (5,74/6,65 điểm), đối với 8 tiêu chí còn lại đều vượt điểm so với năm trước, trong đó có tiêu chí được cải thiện đáng kể như cạnh tranh bình đẳng tăng từ 3,69 năm trước lên 5,86 của năm 2014 hay chi phí thời gian từ 6,79 điểm năm 2013 nâng lên 7,12 điểm...

Như đã nói ở trên, với điểm số trung bình 56,88 điểm tỉnh ta được xếp vào hàng thứ 43 trong bảng “tổng sắp”, xếp “đầu bảng” trong nhóm 6 tỉnh xếp hạng trung bình gồm Ninh Thuận, Hòa Bình, Hà Nam, Quảng Bình, Phú Yên và Gia Lai nhưng lại đứng “cuối bảng” nhóm 8 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, trong số này ngoài TP. Hồ Chí Minh được xếp hạng rất tốt, 6 tỉnh (lần lượt là Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai) xếp hạng khá, còn lại tỉnh ta xếp hạng trung bình (chỉ chênh lệch với Đồng Nai 0,38 điểm)... Điều cũng đáng quan tâm là qua đối soát với các chỉ số thành phần có điểm số vượt trội của tỉnh năm qua, phần lớn thuộc vào lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. Đây cũng là một trong những nội dung tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt thời gian qua và đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy vậy, vấn đề cũng cần đặt ra đó là tiêu chí “Chi phí không chính thức”- Chi phí này được hiểu là những khoản chi phí mà doanh nghiệp (DN) phải trả để có được những kết quả như mong đợi từ khâu xin giấy phép đầu tư đến quá trình đấu thầu, làm các thủ tục liên quan đến hoạt động của DN, nhà đầu tư…. mặc dù đã được cải thiện (6,0/5,11 điểm-cao hơn các năm) nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng.

Thật ra, việc “chấm điểm” các chỉ số thành phần của các DN được khảo sát chưa thể phản ảnh toàn diện mọi hoạt động cũng như nỗ lực của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN và nhà đầu tư. Tuy nhiên, qua kết quả mà phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam công bố cũng cần chú trọng để điều chỉnh những chỉ số còn yếu liên quan đến từng ngành, từng cấp đồng thời phát huy cao hơn những chỉ số được đánh giá khá... Chung quy lại “mẫu số” chung vẫn là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính ngay tại cơ sở của từng ngành, từng cấp. DN và nhà đầu tư cần mọi thủ tục thông qua “một cửa” thông suốt mà không mong muốn qua “một cửa” nhưng “nhiều khóa”!. Làm được điều này tin rằng năm nay chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh nhà sẽ tiếp tục nâng hạng.