KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH:

Kịch bản cuộc đời

(NTO) Nhìn gương mặt tươi sáng với nụ cười hồn nhiên của T. trong phiên tòa sáng 20-4 ở phường Đài Sơn (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm), tôi tưởng tượng ra em, trong chiếc áo thanh niên màu xanh hy vọng, sẽ xông xáo tham gia các hoạt động tình nguyện, đầy nhiệt huyết và sôi nổi ở các buổi sinh hoạt, các chương trình xã hội. Thật đáng tiếc, em đã “viết” cuộc đời mình theo một “kịch bản” khác.

Bắt đầu sử dụng ma túy từ tháng 5-2014, cũng là lúc D.N.T. tham gia mua bán trái phép chất gây nghiện này cho một số đối tượng trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, để lấy tiền lời 50.000 đồng với mỗi “tép” bán được. “Hành nghề” được 1 tháng thì T. bị bắt. Trong suốt phiên tòa, mỗi câu hỏi của hội đồng xét xử đều được T. trả lời rành rẽ, dứt khoát cùng những kính ngữ “dạ, thưa” rất lễ phép. Trong giọng nói của cô gái trẻ mang sự tự nhiên, mạnh dạn và bình tĩnh đến khó hiểu. Là vì em đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình nên bình thản đối mặt với “cái giá” phải trả trước pháp luật, hay em quá vô tư, hồn nhiên nên không còn biết lo lắng, sợ hãi như nhiều người (vẫn thường tỏ ra) nơi pháp đình?!

Ở tuổi 21, T. là một cô gái mang sự năng động và sôi nổi thường thấy của tuổi trẻ. Với chiếc còng số 8 trên tay, nụ cười của T. vẫn rạng rỡ và vô tư. Cô gái mang tội danh “mua bán trái phép chất ma túy” nhanh nhẩu nói chuyện với cha trong giờ nghị án. “Khi nào lên thăm con thì nhớ mua bánh mì cho con nhen! Mua bánh hỏi nữa nhen ba!”, giọng nói của T. vang to trong phòng xét xử, đủ để những người ngồi ở cuối căn phòng như tôi, như anh rể của T. nghe rõ từng lời em nói. Trước kiểu hành xử quá tự nhiên của cô em vợ, anh rể T. quay sang nói với tôi như một lời phân bua: “Nó còn khờ khạo vậy đó, lại lỳ lợm nữa, có biết sợ là gì đâu!”.

Mức án 3 năm tù với T. có thể chưa phải là nặng, nhưng đó là một “trang” tối màu trong quãng đời hai mươi đầy nhựa sống của tuổi trẻ. Thay vì lao động, học tập và cống hiến cho quê hương như bao bạn trẻ khác, em đã chọn một lối sống thiếu lành mạnh, một “công việc” vi phạm pháp luật, để rồi tự đẩy mình vào cánh cổng trại giam. 3 năm ấy không chỉ lấy đi của T. quyền công dân, lấy đi những cơ hội và niềm vui trong cuộc sống, mà còn lấy đi cả niềm hạnh phúc giản dị của gia đình em. Ẩn sâu trong đôi mắt người cha gần 50 tuổi của T. là sự bất lực và nỗi đau buồn khó diễn tả. Ông không khóc, không cười, chỉ nghiêm nghị nhìn con, vừa thương vừa giận, lại như có phần tự trách mình. Giờ đây, khi “sự đã rồi”, gia đình và bạn bè chỉ còn biết hy vọng rằng, môi trường trại giam sẽ giúp T. nhìn nhận lại hành vi của mình, có định hướng lối sống và hành vi lành mạnh hơn.

Mỗi bạn trẻ, hãy thật tỉnh táo và sáng suốt lựa chọn “kịch bản” cho cuộc đời mình, lựa chọn lối sống tích cực, có ích cho gia đình và xã hội, viết nên những ngày tươi sáng, hạnh phúc cho bản thân.