Đến với bài thơ hay

...Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

(Trích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” –  Phạm Tiến Duật)

Là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ những năm chống Mỹ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước–Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu), Phạm Tiến Duật có giọng thơ mang chất lính, khoẻ, dạt dào sức sống, tinh nghịch vui tươi, giàu suy tưởng. “Bài thơ về tiểu đội không kính” (trong chùm thơ được giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969-1970) được Phạm Tiến Duật viết năm 1969 là bài thơ tiêu biểu cho phong cách đó.

Bài thơ khắc hoạ nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn, gian khổ, trái tim yêu nước nồng nhiệt của tuổi trẻ một lòng hướng về miền Nam ruột thịt. Vẻ đẹp tinh thần độc đáo đó được đặc tả trong khổ cuối bài thơ:

Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Khổ thơ dựng lên hai hình ảnh đối lập đầy kịch tính, bất ngờ và thú vị làm nổi bật sự khốc liệt của chiến tranh, bật lên ý chí chiến đấu, quyết tâm sắt đá, tình cảm sâu đậm với miền Nam ruột thịt. Hai câu đầu dồn dập những mất mát, khó khăn do quân thù gieo xuống, do đường trường gây ra: “Xe không kính, không đèn, không mui, thùng xe bị xước”… được nhà thơ nhắc đến với giọng lạc quan, hóm hỉnh khó trộn lẫn được. Ấy vậy mà những chiếc xe như những chiến sĩ kiên cường vượt lên trên bom đạn, hăm hở lao ra tiền tuyến:

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Chói ngời, toả sáng khổ thơ, cả bài thơ là hình ảnh “trong xe có một trái tim”. “Một trái tim” là hình ảnh đẹp, gợi biết bao ý nghĩa. Hình ảnh này kết hợp cùng kết cấu câu “vẫn-chỉ cần” đã lý giải về sức mạnh vượt khó, khẳng định hơn nữa tinh thần hiên ngang, bất khuất, sự lạc quan tự tin của những người lính trẻ. Tình yêu Tổ quốc, tình yêu thương đồng bào, đồng chí, một lòng hướng về miền Nam đã khích lệ, động viên người chiến sĩ vận tải vượt khó khăn, gian khổ, luôn lạc quan, bình tĩnh nắm chắc tay lái, nhìn thật đúng hướng để đưa đoàn xe khẩn trương tới đích. Cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe, gốc rễ anh hùng của mỗi người cầm lái tích tụ, kết đọng ở “trái tim” gan góc, kiên cường, chứa chan tình yêu nước, trái tim quả cảm-trái tim người lính Bác Hồ. Chính điều đó đã tạo nên cho họ sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng để chúng ta mãi mãi yêu quý và cảm phục. Nét đẹp tinh thần cùng lý tưởng sống cao đẹp của những anh lính cụ Hồ, những người chiến sĩ Trường Sơn đã khắc tạc vào lòng bao thế hệ, nhắc nhở tuổi trẻ Việt Nam hôm nay phải luôn nỗ lực vượt khó, gắng sức học tập, làm việc, cống hiến hết mình cho xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.