Hiệu quả mô hình “2 lúa, 1 bắp” ở Tân Sơn

(NTO) Với việc trồng chuyển đổi luân canh 3 vụ lúa/năm thành 2 vụ lúa, 1 vụ bắp trên cùng một diện tích đất canh tác, mô hình “2 lúa, 1 bắp” bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho nông dân thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn).

Lâu nay, cây lúa nước, cây bắp được xem là những cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho nông dân trên địa bàn thị trấn Tân Sơn nói riêng và huyện Ninh Sơn nói chung. Tuy nhiên, do người dân vẫn còn tập quán gieo trồng với mật độ dày và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa phù hợp nên hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng đất canh tác mang lại chưa cao.

Năng suất cây bắp đạt cao khi thực hiện mô hình “ 2 lúa, 1 bắp”.

Xuất phát từ thực tế của địa phương, Hội Nông dân thị trấn Tân Sơn đã xây dựng và đưa vào canh tác thí điểm mô hình “2 lúa, 1 bắp” trên cánh đồng Khu phố 1 và 2, với diện tích 1,5ha. Với mục đích thay đổi tập quán canh tác 3 vụ lúa/ năm thành 2 vụ lúa, 1 vụ bắp. Sau một mùa thí điểm, mô hình đã tạo được “dấu ấn” và đang được nông dân thị trấn triển nhân rộng tại địa phương.

Để giúp nông dân nắm bắt được kỹ thuật canh tác, xuống giống hợp lý và kỹ thuật gieo trồng cây bắp trong quá trình luân canh vào 2 vụ lúa, Hội Nông dân thị trấn đã phối hợp với cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, Trạm Khuyến nông tập huấn, tổ chức hội nghị đầu bờ cho hơn 60 lượt hộ nông dân với phương pháp gắn lý thuyết với thực tiễn tại các cánh đồng. Từ đó, các hộ dân tham gia vào thí điểm mô hình đã áp dụng đúng với quy trình và cho hiệu quả cao.

Ông Hồ Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn cho biết, mô hình được áp dụng vào vụ đông–xuân 2014, trên 1,5 ha đất đã canh tác lúa lâu nay, các hộ được chọn thí điểm đều chuyển sang canh tác bắp lai. Kết thúc đợt thí điểm, sau khi thu hoạch, cây bắp lai cho năng suất bình quân 77 tạ/ha, so sánh với thu nhập thực tế từ diện tích bắp trồng thay lúa cao hơn gần 13 triệu đồng/ha. Ngoài ra, sau vụ bắp đầu tiên, nông dân có thể yên tâm hơn khi canh tác 2 vụ lúa tiếp theo do quá trình chuyển đổi canh tác từ cây trồng cạn qua cây trồng nước đã cắt bớt nguồn dịch bệnh cho cây lúa nước. Bên cạnh đó, trong vụ đông-xuân còn tiết kiệm được nguồn nước để cung cấp cho các cây trồng khác. Cũng theo ông Hồ Thanh Sơn, từ hiệu quả trên, vụ đông-xuân năm 2015 vừa qua, qua rà soát, có hơn 40 hộ dân trên địa bàn thị trấn đã áp dụng mô hình “2 lúa, 1 bắp”, với diện tích canh tác khoảng 30 ha.

Ông Nguyễn Đình Tân (Khu phố 2), nông dân trực tiếp tham gia thí điểm mô hình cho biết, lâu nay, gia đình thường canh tác 3 vụ lúa/năm, những vụ đầu năng suất lúa vẫn đạt nhưng vào những vụ tiếp theo, năng suất lại giảm do chất đất có thay đổi. Để đạt năng suất cao phải đầu tư thêm nhiều phân bón và cải tạo đất nên tốn thêm kinh phí. Vụ đông–xuân 2015, tôi bắt đầu áp dụng mô hình “2 lúa, 1 bắp”, năng suất cây lúa vẫn đạt, điều đáng mừng là các chi phí khác giảm hẳn, đặc biệt năng suất cây bắp trồng thay vụ lúa đầu cho năng suất rất cao.

Có thể nói, tuy mới triển khai bước đầu nhưng mô hình “2 lúa, 1 bắp” đã mang lại hiệu quả khả qua cho việc lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đối với nông dân, nhằm cải tiến cách thức sản xuất, cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh, đưa khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.