Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động khoáng sản

(NTO) Ngành chức năng, các huyện, thành phố trên toàn tỉnh đang tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khai khoáng. Đây là động thái tích cực nhằm chấn chỉnh lại hoạt động khoáng sản sau một thời gian công tác quản lý ở một số nơi bị buông lỏng.

Tỉnh ta có nguồn tài nguyên khoáng sản khá dồi dào, tập trung nhiều ở các huyện Thuận Bắc và Thuận Nam. Gần đây, do nhu cầu về nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xây dựng ngày càng cao, kéo theo có nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động khai khác. Hiện toàn tỉnh có 53 mỏ được cấp phép khai thác như đá, cát xây dựng, đá ốp lát, nước khoáng, titan. Từ giữa năm 2014, do nhu cầu nguồn nguyên liệu phục vụ dự án mở rộng Quốc lộ 1A tăng cao, nên một số mỏ khoáng sản hoạt động tương đối hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, đến hết năm 2014 tổng nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trên 19 tỷ đồng. Ngoài ra, thu từ xuất khẩu trên 800.000 m3 cát nhiễm mặn tại Dự án nạo vét Cảng cá Đông Hải hơn 18,2 tỷ đồng. Nhiều dự án tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Nổi bật gần đây nhất là các đơn vị hoạt động khai khoáng có đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới bằng cách hỗ trợ đá, cát để xây dựng hạ tầng nông thôn. Đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Trên địa bàn huyện có 11 mỏ khai thác đá xây dựng. Những năm qua, doanh nghiệp luôn nêu cao ý thức trách nhiệm đóng góp một phần lợi nhuận xây dựng các công trình ở địa phương. Tiêu biểu như Công ty Cô Lô Đức Bảo, Công ty TNHH Sơn Long Thuận, Công ty CP Vật liệu và Xây dựng đường sắt phía Nam… đã hỗ trợ hầu như toàn bộ đá làm các tuyến đường nội thôn ở xã Công Hải.

 
Khai thác và chế biến đá Granite xuất khẩu ở Công ty TNHH Tân Sơn Hoa Cương.  
Ảnh: Văn Miên

Tuy vậy, hoạt động khai thác khoáng sản cũng có những bất cập. Qua kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các huyện, thành phố, tồn tại lớn nhất của các đơn vị là chưa thực hiện việc lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt trữ lượng và báo cáo kiểm kê trữ lượng. Theo quy định, mỗi năm thực hiện 1 lần, Sở TN&MT đã hướng dẫn cụ thể, nhưng đa phần các đơn vị chỉ nộp báo cáo, các thủ tục còn lại chưa thực hiện. Chỉ tính riêng năm 2014, ngành chức năng, các huyện thực hiện hàng chục đợt thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý 16 tổ chức, cá nhân vi phạm, nhưng hoạt động khai thác trái phép vẫn xảy ra, đặc biệt là rộ lên việc đào ao, hạ cote (cốt) cải tạo đất nông nghiệp để thu hồi vật liệu san lấp hết sức phức tạp.

Qua ghi nhận của chúng tôi, tại một số xã trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Thuận Bắc có khá nhiều hộ dân đào ao, hạ cốt cải tạo đất nông nghiệp để bán vật liệu san lấp. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, tỏ rõ quan điểm: Việc tận thu từ hạ cốt đất nông nghiệp để làm vật liệu san lấp mặt bằng là rất tốt nhưng trường hợp thực trạng ruộng đang bình thường mà hạ cốt sâu đến 2 - 3 m như một số hộ đang làm hiện nay là hủy hoại đất nông nghiệp.

Giải thích về những tồn tại trên, từng diễn ra tại các xã Phước Nam, Phước Minh, Phước Dinh, đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho rằng: Trên địa bàn huyện đang triển khai nhiều công trình, dự án lớn, trong đó có dự án mở rộng Quốc lộ 1A nên nhu cầu vật liệu san lấp rất lớn, trong khi đó việc cấp phép các khu vực làm vật liệu san lấp phục vụ dự án chưa kịp thời. Hiện nay, trên địa bàn huyện quy hoạch 2 vị trí làm vật liệu san lấp là khu vực núi Mavick (xã Phước Dinh) và khu vực phía Tây núi Chà Bang (xã Phước Minh), tuy nhiên những địa điểm trên mới được cấp phép thăm dò chứ chưa cấp phép khai thác. Với yêu cầu tiến độ thời gian hoàn thành dự án, dẫn đến việc khai thác trái phép còn xảy ra, các đối tượng lại thường hoạt động ngoài giờ hành chính, nên khó khăn trong phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tương tự, huyện Thuận Bắc cũng đã quy hoạch khu vực khai thác vật liệu san lấp phục vụ dự án mở rộng Quốc lộ 1A ở núi Nài (xã Phước Kháng), nhưng do khó khăn về giao thông nên các đơn vị tận thu nguồn đất tại chỗ dẫn đến khai thác trái phép.

Để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả của các dự án khai thác khoáng sản, từ năm 2014 đến nay, Sở TN&MT, các huyện, thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, giải quyết dứt điểm các hành vi khai thác trái phép, hạ cốt đất nông nghiệp sai quy định. Cụ thể như ở Thuận Bắc, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT, UBND các xã, Tổ công tác liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt 13 trường hợp ở xã Lợi Hải và xã Bắc Sơn khai thác đất san lấp trái phép với tổng số tiền 55 triệu đồng. Huyện cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức chấp hành đúng quy định về pháp luật khoáng sản. Hoạt động khai thác khoáng sản nhờ đó được lập lại, từng bước đi vào nền nếp.