Doanh nhân chân đất - "Sáu Lang nho giống"

(NTO) Với sự nhanh nhạy, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Thường Lang (KP 2, phường Mỹ Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã vươn lên làm giàu nhờ nghề ươm nho giống. Hơn 15 năm qua, Trại ươm nho giống Sáu Lang của gia đình ông đã tạo được thương hiệu vững chắc, cung cấp nho giống cho nhiều bà con trồng nho trong và ngoài tỉnh, thậm chí vươn ra thị trường ngoài nước. Mọi người thường gọi ông là “Sáu Lang nho giống”.

Xây dựng thương hiệu

Xuất thân từ nhà nông, đến khi trưởng thành, lập gia đình riêng, ông Lang tiếp nối nghề trồng nho truyền thống của gia đình. Những năm 1998, 1999, do sâu bệnh, đất đai thoái hóa, giá cả bấp bênh, việc trồng nho không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đang loay hoay suy tính tìm hướng làm ăn mới, thì có một tổ chức Phi chính phủ đến xã Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) để chuyển giao công nghệ cấy ghép trên một số loại cây trồng cho nông dân địa phương, trong đó có cây nho. Ông Lang quyết tâm khăn gói vào Bình Thuận để học tập. Từ những kiến thức lĩnh hội được, ông ngẫm ra rằng, trồng nho theo phương pháp cắm cành trực tiếp của bà con bấy lâu nay không cho hiệu quả lâu dài. Còn trồng nho theo phương pháp ghép cành trên thân nho dại sẽ giúp cây nho có sức đề kháng tốt, giảm bớt sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với quyết tâm của mình, sau thời gian học tập, ông gom góp toàn bộ vốn liếng thành lập Trại ươm nho giống trên diện tích 6 sào, lấy tên “Sáu Lang”, chuyên cung cấp giống cây nho dại Couderc.

 
Ông Nguyễn Thường Lang chăm sóc vườn ươm nho giống của gia đình.

Những năm đầu, do bà con chưa quen với kỹ thuật trồng nho mới nên việc kinh doanh của gia đình không suôn sẻ, lượng nho giống bán ra, thậm chí có lúc nho giống ươm quá thời hạn không bán được đành phải bỏ đi. Không nản chí, ông đến các hộ trồng nho giới thiệu “sản phẩm”. Đối với các hộ mua cây giống, ông trực tiếp đến vườn “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn chi tiết từ khâu xuống giống cho đến kỹ thuật ghép cành, chăm sóc… Vài hộ trồng thành công, nhiều hộ khác thấy vậy tự đến tìm hiểu, mua cây giống và học tập kỹ thuật. Cùng với sự vận động, hướng dẫn tích cực của ngành chức năng, đến nay, hầu hết bà con trồng nho trong tỉnh đã áp dụng trồng nho theo phương pháp ghép cành trên thân nho dại. Chính ông Sáu Lang đóng góp công sức chuyển giao kỹ thuật trồng nho mới đến với nông dân trong tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu, ông tiếp tục mở rộng diện tích trại ươm lên 1 ha, đồng thời thành lập thêm một trại nho giống với diện tích gần 1 ha tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận), cung cấp nho giống cho người dân địa phương.

Để nâng cao chất lượng cây trồng, năm 2014, ông đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà lưới, mua thiết bị thanh lọc nước… thực hiện quy trình ươm cây giống theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Lang cho biết: Trước đây muốn xử lý sâu bệnh phải ngâm thân cây giống vào nước pha thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến chất lượng cây giống. Còn theo quy trình VietGAP, chỉ ngâm thân cây vào nước, nhưng nước cần phải tuyệt đối sạch, đã được xử lý tạp chất, mùi, sau đó đưa thân ươm trong nhà lưới nhằm ngăn chặn tác động xấu của bên ngoài như sương muối, sâu bệnh… đồng thời có hệ thống điện điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Cây giống nhờ đó có chất lượng tốt, sức đề kháng cao hơn rất nhiều. Trại ươm của ông ngày càng tạo được uy tín, sản phẩm bán ra tiêu thụ rất nhanh, lợi nhuận cũng tăng lên đáng kể. Trừ chi phí sản xuất, mỗi năm, gia đình ông thu lời trên 2 tỷ đồng từ 2 trại nho giống; ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 400 lao động địa phương. Không chỉ cung cấp sản phẩm trong nước, năm 2013, ông còn được một doanh nhân đến từ Campuchia sang ký kết hợp đồng cung cấp nho giống và chuyển giao kỹ thuật trên diện tích 30 ha, đưa thương hiệu nho giống Sáu Lang vươn ra đến với nông dân nước bạn.

Đến cán bộ hội cần mẫn

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Sáu Lang còn được biết đến là cán bộ Hội Nông dân cần mẫn, nhiệt tình, một nhân tố tích cực trong “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông Lang bộc bạch: Từ nhỏ, được nghe những câu chuyện về Bác Hồ, tôi đã rất cảm động và khâm phục. Đặc biệt, từ khi có Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã giúp tôi có thêm động lực cố gắng học tập và làm theo đạo đức, phong cách làm việc của Bác, hoàn thiện bản thân. Trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, ông luôn đề cao tinh thần đoàn kết, sự phối kết hợp, tương thân, tương ái và đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu. Ông thường xuyên gần gũi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng hội viên để tham mưu, đề xuất lên Hội cấp trên các giải pháp giúp đỡ hội viên trong phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Từ năm 1996 đến nay, ông đã vận động nhân dân khu phố đóng góp tiền, công sức mở rộng hơn 18.000m2 đường nông thôn; mua 18 trụ điện bê-tông, kéo đường đây điện phục vụ điện sinh hoạt cho 80 hộ gia đình; cùng góp chi phí hợp đồng với Công ty CP Nước Ninh Thuận lắp đặt đường ống nước đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bà con trong khu phố. Hàng năm, vận động bà con nạo vét kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất. Gia đình nào gặp khó khăn trong sản xuất, ông đều đến ân cần thăm hỏi, động viên, giúp đỡ bà con vượt khó vươn lên.

Với ý chí vươn lên làm giàu và sự gương mẫu, cần mẫn, nhiệt tình trong công tác Hội, ông Nguyễn Thường Lang được biểu dương là một trong những tấm gương tiêu biểu thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; được Liên hiệp Khoa học-Doanh nhân Việt Nam và Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bầu chọn là “Doanh nhân bản lĩnh, trí tuệ và sáng tạo năm 2014”.