Vấn đề hôm nay:

Nâng cao văn hóa đọc

(NTO) Ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21-4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Năm nay, Ngày sách Việt Nam lần thứ hai diễn ra đúng vào dịp cả nước hân hoan kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Ảnh minh họa. 

Mục đích của việc tổ chức ngày này nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội. Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách, tôn vinh các giá trị của sách, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng và tôn vinh những người tham gia trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu trữ và quảng bá sách. Ngày sách còn đẩy mạnh hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, phát hành, lưu trữ và quảng bá những cuốn sách hay, có giá trị nội dung và hình thức đến với người đọc.

Đồng thời thông qua các hoạt động còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và mỗi người dân trong việc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại tỉnh ta, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam trọng tâm từ ngày 21-4 đến 24-4 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.

Thực tiễn đã chứng minh, trong đời sống tinh thần, sách là sản phẩm, là kho tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là người thầy vĩ đại, nguồn tri thức vô tận, dạy cho chúng ta cách sống, các làm người, hướng tới các giá trị nhân văn cao cả. Sách còn là kho tàng tri thức quan trọng đối với tất cả mọi người bởi sách ghi lại những kiến thức, những giá trị của cuộc sống mà người đi trước đã kiếm tìm, học tập, trải nghiệm và truyền lại cho thế hệ sau. Tuy nhiên, văn hóa đọc hiện nay ở một số nơi đang mất dần vị trí trong xã hội hiện đại, nhất là đối với lớp trẻ. Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính đến năm 2013, mức hưởng thụ bình quân của người dân Việt Nam mới ở mức 3,2 bản sách/người (bao gồm cả sách giáo khoa). Còn theo số liệu thống kê của Bộ VH-TT&DL, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện... Những số liệu trên cho thấy thực trạng nhu cầu đọc của người dân nước ta những năm qua còn thấp, hay nói cách khác, đọc sách chưa trở thành nhu cầu thường xuyên của nhiều người. Tỉnh ta cũng không nằm ngoài thực trạng này. Thử tìm hiểu nguyên nhân, đầu tiên là do sự phát triển của công nghệ thông tin, các phương tiện nghe nhìn, internet, điện thoại thông minh… đã làm ảnh hưởng tới cách thức, hình thức đọc, tiếp nhận thông tin, nội dung đọc… Mặt khác, chúng ta cũng chưa có nhiều hình thức thu hút được sự tham gia của cộng đồng, nhất là giới trẻ - những người đã đi vào “vòng xoáy” các trang mạng, internet; chưa thực sự khuyến khích và duy trì thói quen đọc sách trong cán bộ, đảng viên, thanh - thiếu nhi, các tầng lớp nhân dân và trong từng cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá sách chưa được quan tâm; công tác lý luận, phê bình, hướng người đọc đến những mảng sách tốt, sách hay chưa được chú trọng; lực lượng sáng tác chưa được đầu tư đúng mức; chất lượng sách xuất bản chưa đáp ứng được nhu cầu đọc. Không những vậy, giá sách còn cao so với thu nhập người dân; mạng lưới thư viện cộng đồng còn rất nghèo nàn về cơ sở vật chất, vốn tài liệu chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả…

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son: Sách chính là người bạn gần gũi và đọc sách đã trở thành nhu cầu cần thiết của mọi người trong xã hội. Ở thời đại nào, việc đọc sách cũng là một trong những yếu tố cốt lõi để hoàn thiện nhân cách con người… Vì vậy, để văn hoá đọc phát triển, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò của sách và văn hóa đọc, coi trọng phát triển sự nghiệp văn hóa để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Đầu tư đúng mức cho hệ thống thư viện vì đây là thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sách, báo đến với người dân, đáp ứng nhu cầu mở mang kiến thức, nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng...

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, tin tưởng rằng mỗi người chúng ta hãy dành thời gian quy báu trong ngày, trong tuần để đọc sách, xây dựng thói quen đọc sách để làm giàu thêm tri thức của mình, góp phần làm giàu thêm tri thức chung của nhân loại, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của quê hương và đất nước.