Phước Diêm anh hùng hôm nay

(NTO) Là xã vùng biển ở phía Nam của huyện Thuận Nam, người dân Phước Diêm sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, toàn xã có 427 gia đình có công với cách mạng, 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1 anh hùng lực lượng vũ trang; 95 liệt sỹ, 31 thương bệnh binh và 27 đối tượng bị tù đày. Phát huy truyền thống anh hùng, cán bộ và nhân dân Phước Diêm đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng quê hương phát triển.

Lễ hội đua thuyền rồng, nét đặc sắc thể hiện sự ấm no, sung túc của ngư dân Phước Diêm.

Sau 40 năm giải phóng, Phước Diêm đã có những chuyển biến quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Từ một xã nghèo, kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, Phước Diêm đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: ngư nghiệp- nông nghiệp- công nghiệp- dịch vụ, trong đó, ngư nghiệp được xác định là kinh tế mũi nhọn. Chính quyền địa phương đã tập trung nhiều biện pháp biến những khó khăn thành tiềm năng lợi thế của địa phương.

Phát huy thế mạnh của nghề khai thác hải sản, ngư dân Phước Diêm đã mạnh dạn vay vốn đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi đánh bắt xa bờ…Toàn xã hiện có 500 chiếc tàu thuyền với tổng công suất 96.000 CV. Ngư dân trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại và cùng liên kết thành lập 34 tổ đoàn kết khai thác, đánh bắt trên biển góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Sản lượng khai thác hằng năm đều tăng, từ 25.800 tấn (năm 2011) đến nay đạt 28.000 tấn hải sản các loại. Chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, cựu chiến binh Lê Văn Hùng (thôn Lạc Tân 1) tự hào chia sẻ: Sau ngày giải phóng, kinh tế xã nhà gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nên địa phương có kết cấu hạ tầng khang trang hơn, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá. Bên cạnh đánh bắt hải sản, nông dân Phước Diêm tận dụng diện tích mặt nước đầu tư nuôi trồng 6 ha rong sụn đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Chỉ tính trong quý I năm 2015, toàn xã thu hoạch được 300 tấn rong sụn tươi.

Cùng với ngư nghiệp, địa phương còn đẩy mạnh các ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, toàn xã thu trên 82 tỷ đồng từ nguồn sản xuất muối, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến thủy sản góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ngoài ra, dịch vụ kinh doanh thương mại cũng khá phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm cho trên 24.000 hộ dân. Nhờ phát huy thế mạnh địa phương, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 2,06% (giảm 1,24 % so với năm 2011); thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm (tăng 6 triệu đồng/năm so với năm 2011).

Các kết cấu hạ tầng như điện, đường được xây dựng, nâng cấp đảm bảo phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Công tác giáo dục được người dân quan tâm, chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao. Triển khai hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, y tế dự phòng, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân được chú trọng. Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển sâu rộng.

Trước sự đổi thay của quê hương, đồng chí Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Diêm cho biết: Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, 40% đường giao thông được bê-tông; đa số người dân đã có nhà cửa khang trang kiên cố, điện, sáng đến tận từng nhà dân, 100% hộ đã có ti-vi, xe máy, các hoạt động văn hóa được quan tâm. Đặc biệt, từ khi tuyến đường ven biển hoàn thành góp phần kết nối thông thương giữa xã với các địa phương khác, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho địa phương.