Khởi sắc vùng cao Phước Hà

(NTO) Chúng tôi về thăm xã vùng cao Phước Hà thuộc huyện Thuận Nam vào dịp toàn tỉnh thi đua lập thành tích chào mừng 40 năm giải phóng quê hương. Phước Hà được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi bản làng thanh bình, cán bộ và nhân dân xuống núi định cư, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

 
Trường PTDTBT THCS Phước Hà được đầu tư xây dựng khang trang.

Trao đổi với đồng chí Kiều Thanh Nhõa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà, chúng tôi được biết toàn xã hiện có 718 hộ với 3.326 nhân khẩu sinh sống chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Phước Hà hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi hồ Tân Giang và hồ Sông Biêu giúp nhiều nông hộ đầu tư mở rộng sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính riêng trong năm 2014 vừa qua, nông dân gieo trồng 464 ha lúa nước áp dụng mô hình “3 tăng, 3 giảm” đạt sản lượng 2.280 tấn và canh tác 590 ha bắp đạt sản lượng 1.475 tấn. Nguồn lương thực sản xuất tại địa phương đã bảo đảm “dư ăn dư để”, bình quân mỗi nhân khẩu đạt 1.000 kg/năm. Vụ đông- xuân năm nay tuy canh tác trong điều kiện “tiết kiệm nước” do khô hạn nhưng nông dân Phước Hà gieo trồng 232ha lúa, đã thu hoạch 152 ha, năng suất đạt 45- 50 tạ/ha. Còn lại 80 ha chủ động tưới từ hồ Sông Biêu tiếp tục thu hoạch vào cuối tháng 4-2015. Nông dân chăn nuôi 1.960 con bò và 800 con dê cừu, tăng thu nhập nâng cao đời sống gia đình. Các nông hộ Tà Yên Tranh, Bà Rá Long, Chamaléa Thị Nga… nêu gương làm kinh tế giỏi, chủ động mua sắm máy cày, áp dụng thiết bị cơ giới vào sản xuất. Trong 5 năm gần đây, Nhà nước hỗ trợ cho Phước Hà trên 11 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 780 triệu đồng bê-tông giao thông, kiên cố kênh mương, xây dựng chợ thôn Giá, mở rộng hệ thống nước sinh hoạt, đào tạo nghề lao động nông thôn…Tính đến nay, Phước Hà đạt 7 tiêu chí nông thôn mới: điện, đường, chợ, thủy lợi, bưu điện, quy hoạch, an ninh- trật tự.

Đời sống kinh tế phát triển, người dân xã Phước Hà tập trung đầu tư nuôi con ăn học. Mạng lưới trường học từ mẫu giáo đến THCS được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong năm học 2014- 2015, toàn xã có 634 học sinh học tập tại địa phương. Phước Hà hiện có 34 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Các gia đình Trà Văn Thị Thúy, Trà Văn Thị Gái, Tạ Yên Thị Linh, Chamaléa Thị Đưng… nêu gương điển hình tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

Mỗi lần về Phước Hà, chúng tôi thường tới thăm già làng Patâu Axá Chiến, 51 năm tuổi Đảng ở thôn Giá. Thời trai trẻ, ông đã từng tham gia bộ đội, đánh Mỹ trên vùng chiến khu Anh Dũng. Khi đất nước yên bình, ông tiếp tục tham gia công tác địa phương với vai trò Phó Chủ tịch UBND xã, rồi Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phước Hà đến ngày nghỉ hưu. Bước vào lớp tuổi những người “xưa nay hiếm”, già làng Patâu Axá Chiến vẫn thủy chung trong chiếc áo bộ đội bạc màu. Hàng ngày, ông cùng con cháu bám nương, lội ruộng vươn lên làm giàu trên đồng đất thôn Giá. Năm nay, thời tiết khô hạn kéo dài, tranh thủ nguồn nước của hồ Tân Giang, ông gieo 1,2 ha lúa vụ đông -xuân thu hoạch trên 5 tấn, bảo đảm lương thực cho gia đình và chia sẻ cho bà con thôn xóm vào những tháng giáp hạt.

Khi được hỏi về đời sống của người dân Phước Hà sau 40 năm giải phóng, ánh mắt già làng Patâu Axá Chiến rạng rỡ niềm vui, ông phấn khởi nói: "So với hồi trên núi thì cuộc sống của bà con bây giờ quá hiện đại rồi. Đặc biệt sau 23 năm tái lập tỉnh, lãnh đạo các cấp đã quan tâm chăm lo nâng cao đời sống của đồng bào vùng căn cứ kháng chiến cũ. Xóm làng có nhiều nhà xây kiểu dáng sang trọng, đường đi bê-tông xi măng sạch đẹp, có nước sạch sinh hoạt, có điện thắp sáng, có trường học khang trang, trạm y tế phục vụ kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Nhìn thấy xóm làng ngày càng đổi mới, bụng dạ tôi mừng lắm. Với vai trò của người đảng viên cao tuổi, tôi động viên bà con phát huy truyền thống quê hương anh hùng, đoàn kết thi đua làm kinh tế giỏi, chung tay xây dựng Phước Hà đạt tiêu chí nông thôn mới”.