Đến với bài thơ hay: Dáng đứng Việt Nam

Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy Anh giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tấn công.
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh dẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để gì lại cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ơi Anh Giải phóng quân
Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

Lê Anh Xuân 

Lê Anh Xuân thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong máu lửa đấu tranh ở miền Nam. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, anh đã để lại thi phẩm tiêu biểu “Dáng đứng Việt Nam” từng khắc tạc vào lòng bao thế hệ.

“Dáng đứng Việt Nam” đúng như tên gọi của bài thơ, tác giả đã chớp được, bắt được hình ảnh thật tuyệt vời của người chiến sỹ anh hùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Chỉ mấy câu đầu thôi mà hình ảnh người chiến sỹ ấy đã hiện lên thật oai hùng:

Anh ngã xuống trên đường băng

Tân Sơn Nhất

Nhưng anh gượng đứng lên tì súng

trên xác trực thăng

Và Anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Người chiến sĩ giải phóng đã trúng đạn khi đang ôm súng truy đuổi giặc trên sân bay. Trúng đạn, trong khoảnh khắc “anh ngã xuống”, anh biết mình không đủ sức nâng khẩu súng, anh đã dùng ngay xác trực thăng giặc làm chỗ dựa, làm bệ tỳ để bắn tiếp. Khí thế oai hùng quyết chiến đó khiến bao tên giặc hoảng hốt tột cùng:

Chợt thấy Anh giặc hốt hoảng xin hàng

Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn

Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm

Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tấn công.

Sự quả cảm của anh khiến bao người nể phục. Hành trang anh để lại trước lúc đi xa chỉ có đôi dép vẫn “một màu bình dị sáng trong”. Nét phi thường hòa trong những gì bình thường nhất. Đôi dép anh mang trong ngày tử trận cũng đơn sơ, giản dị như chính cuộc đời anh vậy:

Không một tấm hình, không một dòng

địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng anh

trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam

tạc vào thế kỷ

Điệp từ “không” nhấn mạnh phẩm chất cao cả của một người lính dũng cảm. Một sự xả thân không hề tính toán vụ lợi, vì vậy “tên anh đã thành tên đất nước”, máu anh đã hoà trong máu của đồng đội tô thắm màu cờ Tổ quốc Việt, để cho hôm nay “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Dáng đứng của anh và cuộc đấu tranh sôi sục của nhân dân miền Nam đã “tạc” vào lịch sử một dấu son chói lọi. Sự ra đi của người chiến sĩ trên đường băng Tân Sơn Nhất năm nào là bệ phóng đưa đất nước lên tầm cao mới.

Tổ quốc hôm nay đang bay lên trong mùa xuân mới: Mùa xuân của hoà bình, hợp tác và hữu nghị. Thắng lợi của ngày nay được vun trồng bởi máu xương của biết bao thế hệ cha anh hôm qua. Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, bài thơ như lời nhắc nhở thế hệ trẻ phải luôn nỗ lực học tập, làm việc, cống hiến cho đất nước, đáp đền công ơn những người đã ngã xuống cho bầu trời Tổ quốc thêm xanh.