Thủy lợi nền tảng phát triển nông nghiệp, nông thôn

(NTO) Thủy lợi là một trong những kết cấu hạ tầng quan trọng bậc nhất để những vùng khô hạn như tỉnh ta có điều kiện phát triển KT-XH. Đến nay, sau 23 năm tái lập tỉnh, với chủ trương đầu tư đúng mục tiêu, trọng điểm, những công trình thủy lợi quan trọng này đã, đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đổi thay toàn diện bộ mặt nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

Xây hồ, đắp đập

Theo Kỹ sư Phạm Văn Hường, Giám đốc Công TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi cho biết: Công trình Đập Nha Trinh-Lâm Cấm được xem là công trình thủy lợi đầu tiên của tỉnh trong việc “xây hồ,đắp đập” giải quyết bài toán khô hạn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống thủy lợi Nha Trinh–Lâm Cấm được xây dựng từ năm 1889, lúc đầu người dân sử dụng đá hộc xếp chặn dòng sông tạo thành đập để dâng nước tưới trồng lúa nước, hoa màu vùng đất hạ lưu sông Cái Phan Rang. Với “thâm niên” gần 4 thế kỷ, sau nhiều lần nâng cấp, sửa chữa trong quá trình sử dụng để đảm bảo an toàn cho công trình, đến nay công trình vẫn phục vụ tưới cho 10.800 ha đất canh tác của 2 huyện Ninh Phước và Ninh Hải.

 
Công trình thủy lợi hồ Bà Râu có sức chứa 4,6 triệu m3 nước tưới cho 500 ha đất canh tác của nông dân xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc). 
Ảnh: Văn Miên

Từ Nha Trinh-Lâm Cấm, chúng tôi ngược vòng lên công trình thủy lợi Hồ Lanh Ra (xã Phước Vinh, Ninh Phước). Công trình thủy lợi vừa mới được tỉnh ta tổ chức khánh thành trong những ngày cuối năm 2012. Hồ Lanh Ra có dung tích chứa gần 14 triệu m3 nước, khi đưa vào sử dụng cung cấp nước tưới cho hơn 1.050 ha đất sản xuất nông nghiệp 3 vụ/năm, đồng thời còn phục vụ nước cho phát triển chăn nuôi và sinh hoạt của người dân vùng dự án, cắt lũ vùng hạ lưu… Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, hồ hởi: Khi chưa có nguồn nước tưới từ hồ Lanh Ra, diện tích gieo trồng của xã Phước Vinh chỉ được khoảng 700 ha… Nay, nhờ nguồn nước từ hồ Lanh Ra, diện tích gieo trồng lên tới 1.050 ha và dự kiến sẽ mở rộng thêm khoảng 500 ha nữa. Từ chỉ gieo trồng nhiều nhất 2 vụ trong năm, thì nay bà con đã có thể tăng lên 3 vụ. Nhờ có nguồn nước tới chủ động, năng suất các loại cây trồng bắp, thuốc lá, rau đậu… cũng hứa hẹn đem lại năng suất cao hơn. Cuộc sống người dân Phước Vinh rồi sẽ tốt hơn. Chạy dọc theo các công trình thủy lợi trong mùa khô hạn năm 2014-2015, mới thấy được hết ý nghĩa của các công trình thủy lợi này. Những vùng quê nghèo một thời nước sinh hoạt cho người và gia súc cũng thiếu nghiêm trọng, hạn triền miên… vậy mà đã đổi thay nhanh chóng khi có dòng nước mát về. Những ngôi nhà mái ngói đỏ au, những cánh đồng lúa, bắp… nặng trĩu mùa về… Có nước, người dân đã biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Những cánh đồng Phước Hà, Nhị Hà, Phước Nam, Lợi Hải, Phước Kháng, Phước Thắng, Phước Tiến… một thời “đồng hoang, cỏ cháy” giờ thành những cánh đồng lúa phì nhiều, mỗi năm sản xuất từ 2-3 vụ cho năng suất cao.

Hướng đến tương lai

Với vùng đất “thừa gió, thừa nắng”, nước và nước- điệp khúc đó luôn là điều ao ước, khát vọng cháy bỏng đối với người dân tỉnh nhà. “Giấc mơ nước” của tỉnh ta giờ đây về cơ bản đã thành hiện thực. Một hệ thống thủy lợi đầu mối, dẫu chưa liên hoàn như mong ước nhưng đã trải đều ở các địa phương. Từ năm 1992 đến nay, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng gần 110 hồ, đập thủy lợi lớn nhỏ, với dung tích nước hữu ích các hồ chứa đang hoạt động gần 340 triệu m3. Với hệ thống hồ thủy lợi hiện có, công năng tưới ổn định lên đến xấp xỉ 65.000 ha (năm 1992 chỉ 30.000 ha); đồng thời đáp ứng cơ bản cung cấp nước sinh hoạt và nước uống cho người dân và gia súc trên địa bàn tỉnh. Thủy lợi đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn. Nhờ có nước, người dân đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng lương thực có hạt năm 2014 đạt 324,47 ngàn tấn, tăng 213,57 ngàn tấn so với năm 1992, bình quân mỗi năm tăng 4,9%. Riêng sản lượng lúa tăng, từ 2,5-3 tấn/ha (năm 1992), đến năm 2014, đạt bình quân 6,2 tấn/ha, từ một vụ chuyển thành 3 vụ ổn định. Ngày đầu tái lập tỉnh giá trị ngành sản xuất nông nghiệp chỉ có 365.2 tỷ đồng (giá hiện hành) thì đến năm 2012 đạt trên 6.135,6 tỷ đồng. Các công trình thủy lợi là động lực thúc đẩy toàn diện bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta.

 
Hệ thống kênh mương xã Lợi Hải (Thuận Bắc) được kiên cố hóa.

Hiện nay, tỉnh ta đang đẩy nhanh triển khai các dự án thủy lợi Hồ Tân Mỹ với dung tích 243,3 triệu m3 và dự án 2 hồ: Sông Biêu- Núi Một hơn 100 triệu m3. Riêng với “đại công trình thủy lợi” Hồ Tân Mỹ, sau chuyến kiểm tra về tình hình khô hạn tại tỉnh ta trong tháng 3-2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã quyết định cấp hơn 200 tỷ đồng để đầu tư sớm đưa công trình vào sử dụng trong năm 2017. Với sự quan tâm của Chính phủ, dự kiến khi “đại công trình thủy lợi” Hồ Tân Mỹ hoàn thành và một số dự án thủy lợi vừa - nhỏ khác hoàn thành thì tổng diện tích đất sản xuất ổn định nước vượt lên con số 100.000 ha, giải quyết triệt để vấn đề nước sản xuất, sinh hoạt, dân sinh, góp phần cải tạo môi trường sinh thái, giảm nhẹ lũ hạ lưu, phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.

Sau 23 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước và tầm nhìn chiến lược của tỉnh, những công trình thuỷ lợi là nền tảng để các vùng nông thôn trong tỉnh phát triển, tiếp tục cho một mục tiêu CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn.