Ninh Thuận: Hướng đến xây dựng Trung tâm năng lượng sạch

(NTO) Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột mà tỉnh ta ưu tiên phát triển thì cụm ngành năng lượng sạch đang được ưu tiên hàng đầu, với tham vọng hướng đến xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch và điểm đến của Việt Nam trong tương lai.

Vùng đất giàu tiềm năng

Ninh Thuận có địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và là vùng đất cuối cùng của dãy Trường Sơn, với nhiều dãy núi đâm ra biển. Toàn bộ diện tích của tỉnh được bao bọc bởi 3 mặt núi: Phía Bắc và phía Nam là hai dãy núi cao chạy sát ra biển, còn ở phía Tây là vùng núi cao giáp với tỉnh Lâm Đồng. Với đặc điểm địa hình như thế, tỉnh ta được đánh giá là một trong những nơi có tiềm năng phát triển điện gió lớn nhất của cả nước.

Theo bản đồ phân bố các cấp tốc độ gió khu vực Đông Nam Á của Tổ chức True Wind Solutions LLC (Mỹ) lập theo yêu cầu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy, tỉnh ta hiện có 15 vùng gió tiềm năng trên diện tích 8.000 ha. Các vùng gió tập trung chủ yếu ở các huyện: Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và một phần của huyện Bác Ái, với tốc độ gió trung bình đo được trong năm đạt 7,5m/s, ở độ cao 65m và mật độ gió từ 400 – 500 W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam. Ngoài ra, tỉnh ta còn được biết đến là một trong những địa phương có tiềm năng năng lượng mặt trời rất lớn, số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.600 – 2.800 giờ, phân phối tương đối đều quanh năm. Dựa trên thế mạnh này, trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh chủ trương ưu tiên phát triển nhóm ngành năng lượng lên hàng đầu, bao gồm cả điện hạt nhân và năng lượng tái tạo để đến năm 2020 đưa cụm ngành này đóng góp khoảng 11% GDP của tỉnh, giải quyết từ 5 – 8% nhu cầu năng lượng quốc gia và chiếm 8% lao động xã hội.

Để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ngoài việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư; chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho dự án, tỉnh ta còn lập Quy hoạch chi tiết về phát triển điện gió giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2574/QĐ-BCT ngày 23-4-2013. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách đãi ngộ như: Miễn tiền thuê đất từ 3- 15 năm tùy theo danh mục các dự án và địa bàn đầu tư; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, nhằm xây dựng một môi trường thuận lợi nhất để sinh lợi cho các nhà đầu tư.

Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch

Đó là thông điệp mà đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã gửi tới các nhà đầu tư nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3-2015. Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, để biến tiềm năng thành hiện thực, hiện ngoài việc phối hợp và chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng 2 Nhà máy Điện hạt nhân công suất 8.000 MW đúng tiến độ đã đề ra, tỉnh đang tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, huy động tối đa nguồn vốn FDI, vốn của các doanh nghiệp để đẩy nhanh việc xây dựng dự án các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời ở những khu vực đã được quy hoạch với quy mô từ 1.500 – 2.000 MW.

Với sự nỗ lực của tỉnh và các nhà đầu tư, đến nay ở lĩnh vực phong điện có 8 dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng công suất 674,5 MW; đồng thời chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án điện gió khác, với tổng công suất dự kiến khoảng 840 MW. Trong đó, có một dự án là Nhà máy Điện gió Công Hải 1 đã được khởi công từ tháng 5-2014. Đây là dự án sử dụng công nghệ mới của Liên bang Nga về tua-bin gió (YnS-W), do Tổng Công ty Phát điện 2 phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh điện lực TP.Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn trên 1.500 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn để thực hiện; trong đó giai đoạn 1 có tổng vốn trên 191 tỷ đồng, với 3 tổ máy, có công suất 3MW (mỗi tổ máy 1MW) nằm trên diện tích rộng 20 ha, tại thôn Suối Giếng (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc). Dự kiến cuối quý I này dự án sẽ được kiểm vận hành thử nghiệm.

Sử dụng năng lượng mặt trời tại Hải đăng Mũi Dinh.

Ngoài các dự án kể trên, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP.Hồ Chí Minh lần này, tỉnh ta còn trao văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án, trong đó có 2 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, đó là: Dự án Nhà máy Điện gió Đầm Nại, công suất 30MW của Liên doanh Công ty Cổ phần TSV và Công ty TNHH The Blue Cirele (Singapore) với tổng vốn đầu tư khoảng 1.120 tỷ đồng và Dự án Nhà máy Điện mặt trời công suất dự kiến 1.000MW của Công ty Cổ phần xây dựng Thiên Tân, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Đặc biệt, với một quy hoạch cụ thể theo định hướng phát triển nền kinh tế “xanh và sạch”, trong thời gian tới tỉnh ta còn tập trung phát triển loại hình thủy điện tích năng đầu tiên trên cả nước với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động vào năm 2020 và một số công trình thủy điện quy mô nhỏ gắn với thủy lợi như: Sông Ông, Hạ Sông Pha 1, Hạ Sông Pha 2... Cùng với đó, tỉnh còn tập trung kêu gọi phát triển mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ như: Lắp ráp, gia công cơ khí, sản xuất các linh kiện Turbin gió, đóng tàu du lịch..., phục vụ cho nhà máy sản xuất điện để lấp đầy các Khu công nghiệp Du Long, Phước Nam. Ngoài việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, còn tạo tiền đề để tỉnh ta bứt phá, hướng đến mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.