Ngành Giáo dục và Đào tạo: 40 năm phát triển cùng quê hương

(NTO) “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu”, xác định rõ sứ mệnh của mình, 40 năm qua kể từ ngày giải phóng quê hương Ninh Thuận, ngành GD&ĐT tỉnh nhà luôn nỗ lực, tập trung phát triển và mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới công tác quản lý, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và hợp tác liên kết đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng quê hương.

Năm học 1975-1976, năm học đầu tiên sau ngày giải phóng, Ninh Thuận chỉ có khoảng 30 ngàn học sinh các cấp học phổ thông, riêng hệ thống giáo dục mầm non hầu như không có. Đến tháng 4-1992, thời điểm tái lập tỉnh, hệ thống GD&ĐT đã có nhiều bước phát triển nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.Toàn tỉnh lúc đó chỉ có 70 cơ sở giáo dục mầm non, 106 trường TH, 18 trường THCS và 5 trường THPT. Nhiều xã chưa có trường học, tỉnh chưa có trường phổ thông dân tộc bán trú, chưa có trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên.

 
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: DL
 

Tròn 23 năm sau ngày tái lập tỉnh, ngành GD&ĐT đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Số cơ sở giáo dục đã tăng lên 325 cơ sở, gấp 2,6 lần so với năm học 1991-1992. Tổng số học sinh năm học 2014-2015 là 138.309 em, tăng gấp 1,8 lần. Đến nay tỉnh đã có trường THPT chuyên nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và luôn được xếp trong tốp 100 trường có điểm trung bình 3 môn thi đại học cao nhất; có 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp và 1 phân hiệu trường đại học. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành hiện nay là 10.332 người, trong đó cán bộ quản lý giáo dục cơ sở là 671 và giáo viên trực tiếp đứng lớp là 7.536 người. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở một số cấp học của tỉnh ta cao hơn mặt bằng chung của cả nước, tỷ lệ giáo viên là đảng viên chiếm 27,21% tổng số cán bộ, giáo viên toàn ngành.

Vượt qua nhiều khó khăn về điều kiện sống và học tập, những thế hệ học sinh, sinh viên Ninh Thuận trong những năm qua vẫn luôn nỗ lực, gặt hái được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia, khu vực, mang niềm tự hào về cho tỉnh nhà, như Đỗ Trần Kim Trinh, thủ khoa Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh năm 2004; Hồ Thị Ánh, đỗ thủ khoa khối B, Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh năm 2007; Nguyễn Thanh Liêm, đỗ thủ khoa khối B, Đại học Sài Gòn và á khoa khối A, Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh năm 2011; Nguyễn Trường Khánh, thủ khoa khối C, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh năm 2014… Em Lê Bảo Lộc, người đầu tiên mang cầu truyền hình Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia về Ninh Thuận, hay em Huỳnh Nguyễn Hồng Chiến, là thí sinh nắm giữ nhiều kỷ lục nhất của Cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” của Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tính đến thời điểm hiện nay. Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, đã có 249 giải học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia, trong đó có 2 giải nhất, 13 giải nhì, 74 giải ba và 160 giải khuyến khích. Ninh Thuận cũng là tỉnh hiện đứng đầu cả nước về số sinh viên trúng tuyển du học tại Liên bang Nga theo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân. 87 sinh viên này đã và đang góp phần làm rạng danh quê hương bằng thành tích học tập, rèn luyện nổi trội của mình. Hàng nghìn học sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng trưởng thành cũng đã và đang cống hiện tài năng, trí tuệ, góp phần xây dựng quê hương.

Trường THPT Bác Ái được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng đồng bào Raglai. Ảnh: V.M

Một trong những kết quả nổi bật của ngành GD&ĐT sau 40 năm giải phóng là công tác giáo dục dân tộc, giáo dục miền núi luôn được quan tâm, ưu tiên đầu tư và phát triển mạnh mẽ cả về quy mô trường lớp và chất lượng giáo dục. Hệ thống trường lớp, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên tại các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã được ưu tiên đầu tư, bố trí đồng bộ, đáp ứng yêu cầu dạy tốt, học tốt. Đến nay, tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú và 11 trường phổ thông dân tộc bán trú làm nhiệm vụ tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc miền núi. Việc chuẩn bị Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, tiếng nói, chữ viết của dân tộc Chăm, Raglai được chú trọng và lồng ghép hiệu quả thông qua các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường. Điều đáng ghi nhận, là nhiều học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đang góp phần xây dựng chính quê hương mình.

Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên, tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tỉnh nhà đã và đang tích cực đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, đưa sự nghiệp trồng người của tỉnh nhà vươn lên ngang tầm với sự nghiệp đổi mới đất nước. Tỉnh đã hoàn thành và giữ vững phổ cập giáo dục TH- Chống mù chữ, phổ cập THCS và phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi. Có 80% xã, phường đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Có 63 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, trên 45% học sinh TH được học 2 buổi/ngày… Tin rằng, với những thành tựu của 40 năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh nhà sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, tiếp tục chăm lo đào tạo những thế hệ trẻ vừa hồng, vừa chuyên, có đủ năng lực làm chủ xã hội và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.