Lực lượng Công an Ninh Thuận: Phát huy truyền thống “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”

(NTO) Tháng 4-1992, Công an tỉnh Ninh Thuận được tái lập trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn của một tỉnh mới được chia tách. An ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến nhiệm vụ chính trị của lực lượng công an.

Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ,
Giám đốc Công an tỉnh

Được sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lực lượng Công an Ninh Thuận đã khẩn trương củng cố bộ máy tổ chức cán bộ; kịp thời kế thừa, phát huy các nhân tố thuận lợi, chủ động tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ và chủ trương, kế hoạch của cấp ủy địa phương về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp liên tịch, liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ đi đôi với xây dựng, củng cố, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự và liên tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Nổi bật là:

Trên lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội: Đã chủ động đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành, phát triển các tổ chức hội, nhóm chính trị đối lập, giữ vững an ninh chính trị trong mọi tình huống; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các chuyến hàng đặc biệt, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội và các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, làm việc tại địa phương; kiềm chế tai nạn giao thông, hoạt động của tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; nâng cao hiệu quả điều tra khám phá án và các hành vi vi phạm pháp luật khác, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự công cộng, trật tự đô thị. Công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính thường xuyên được chú trọng, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, giấy tờ có liên quan đến công dân, tổ chức thuộc thẩm quyền; thực hiện giải quyết nhiều thủ tục trong ngày làm việc, ngày thứ Bảy hàng tuần; chuyển cấp mới CMND về Công an cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại giải quyết giấy tờ, tránh phiền hà cho người dân.

 
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an trao Cờ thi đua của Bộ Công an
cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ". Ảnh: Phạm Lâm

Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng: Tổ chức bộ máy của Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ngày càng được kiện toàn, củng cố; vai trò lãnh đạo, điều hành ngày càng được nâng cao; chất lượng cán bộ, chiến sĩ về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn ngày càng tiến bộ. Kết cấu hạ tầng và điều kiện phục vụ công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ được quan tâm đúng mức, cải thiện nhanh theo hướng từng bước chính quy, hiện đại.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ có những diễn biến mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc khó lường. Tỉnh ta đang tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển kinh tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội sẽ là điều kiện thuận lợi tác động tích cực tới tư tưởng, tâm trạng xã hội để phát triển kinh tế. Nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân có nhiều thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi toàn lực lượng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và npgành giao phó với những trọng tâm công tác sau:

Một là: Tiếp tục nâng cao năng lực tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng lượng lượng công an nhân dân. Chủ động phối hợp làm tốt công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, tư tưởng-văn hóa, bảo vệ thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

Hai là: Tăng cường công tác nắm tình hình từ xa, từ cơ sở; kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các chủ trương, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và số đối tượng chống đối, khủng bố, phá hoại, kích động, biểu tình, gây rối, bạo loạn; làm tốt công tác bảo vệ an ninh trên từng lĩnh vực.

Ba là: Tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động điều tra hình sự và hỗ trợ tư pháp, thi hành án hình sự trong Công an nhân dân; đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, gắn với cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn yêu cầu của cá nhân và tổ chức, góp phần tích cực vào phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, đáp ứng yêu cầu chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh quốc gia, phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Bốn là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tập trung củng cố, xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh; thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức đoàn thể quần chúng thực sự vững mạnh về mọi mặt trên cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào “Công an nhân dân học tập và thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy”.