Một thoáng Côn Đảo

(NTO) Sau khoảng 45 phút bay, chiếc máy bay ATR 72 của Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO), cất cánh từ Tân Sơn Nhất đã hạ xuống sân bay Cỏ Ống, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là Côn Đảo xanh với nhiều hòn đảo kết bên nhau quanh co như chuỗi ngọc giữa biển cả mênh mông.

Hành khách trên chuyến bay Ta có, Tây có, ai ai cũng tranh thủ chụp vài kiểu ảnh tại sân bay để làm kỷ niệm. Chúng tôi cũng vậy, cả đoàn tập hợp chụp ít tấm hình để về “khoe”, mấy cô bạn trẻ thì nhanh tay “post” lên facbook giới thiệu với bạn bè.

Một góc bãi biển Côn Đảo.

Đường từ sân bay về trung tâm huyện Côn Đảo chạy ven sườn núi. Quang cảnh hai bên đường lúc ẩn, lúc hiện, bất chợt là hàng cây với những chùm hoa màu hồng rực rỡ mà theo anh lái xe thì đó là hoa anh đào, cảm giác con người được đắm mình vào thiên nhiên thật kỳ lạ. Huyện Côn Đảo ngày nay với dân số khoảng 6.800 người chia làm bảy khu dân cư. Nếu đi bộ chỉ cần một ngày là chúng ta có thể thăm hết các di tích lịch sử, di tích văn hóa. Côn Đảo không chỉ xanh, sạch, đẹp mà còn hết sức thanh bình. Du khách dạo chơi ban đêm hay lúc sắp bình minh sẽ thấy cái êm đềm, sự yên ả khó mà tìm được trong đất liền.

Đoàn công tác Côn Đảo chúng tôi có một buổi chiều đi thăm “địa ngục trần gian”, các hướng dẫn viên Ban Quản lý Di tích Côn Đảo tận tình hướng dẫn, thuyết minh về hệ thống nhà tù nơi đây. Ngày 1-2-1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo-”địa ngục trần gian” (nay thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp. Trại Bagne 1 (sau đó được đổi thành trại 1, trại Cộng Hòa, trại 2, trại Phú Hải) rộng hơn 12.000 m2, gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá. Thực dân Pháp chọn Côn Đảo là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng, những sĩ phu yêu nước bởi nơi đây hoang vu, không có dân, cách xa đất liền hàng trăm cây số với hai mùa gió nam và gió chướng. Nếu vượt ngục sau đó vượt biển về đất liền thì khả năng sống sót chỉ là một phần ngàn. Sự “thông minh” của những người “khai sáng” Pháp còn được thể hiện trong việc bố trí hệ thống nhà giam mà họ treo biển là “Trại cải huấn”. Nơi đây, những nhà đấu tranh cho nhân quyền, các đoàn khách quốc tế, những nghị sĩ phương Tây yêu tự do đến tìm hiểu sẽ gặp ngay những nhà tù hết sức bình thường, có nhà bếp, nhà ăn, khu thể thao, nơi khám, chữa bệnh, nhà thờ.

Sân bay Cỏ Ống.

Hệ thống chuồng cọp, nơi sự tàn bạo khốc liệt có một không hai trên thế gian chỉ bị phát hiện khi năm sinh viên Sài Gòn bị bắt giam tại đây đã tìm hiểu và vẽ sơ đồ về bí mật này để trao cho một vị nghị sỹ Mỹ yêu hoà bình. Đến thanh sát trại giam Côn Đảo, đoàn Nghị sỹ Mỹ yêu tự do nói với tên Vệ (chúa đảo) rằng: Nghe nói các ông trồng rau để cải thiện đời sống tù nhân? Hắn phấn khởi đưa đoàn đến lối đi có vườn rau khoai lang xanh ngắt, nơi có cổng dẫn đến chuồng cọp. Sự thật được phơi bày khi đoàn Nghị sỹ Mỹ làm tên Vệ phát cáu vô tình lấy batoong gõ gõ vào cửa, người lính gác sau cánh cổng nghe tiếng Vệ gõ liền mở cửa ra. Đó là nơi giam giữ tù chính trị, chúng tra tấn tù nhân như thời trung cổ. Chuồng cọp với cái tên mỹ miều “nhà tắm nắng”, rộng 1,45 m, dài 2,5 m nhốt khoảng chục tù nhân bị xiềng xích, ăn, ở, vệ sinh trong đó, mỗi người chỉ có một lon guigoz nước cho một ngày. Chúng dùng vôi bột pha với nước dội xuống tù nhân, sử dụng cây tre lao từ trên xuống khi tù nhân nói chuyện. Sau chuyến thanh sát của đoàn Nghị sỹ Mỹ trên, sự thật kinh hoàng về chuồng cọp Pháp được phơi bày trên các phương tiện truyền thông quốc tế tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam khắp toàn cầu. Nếu chuồng cọp Pháp kiên cố với những hình thức tra tấn tàn bạo hòng khuất phục ý chí con người thì chuồng cọp Mỹ lại hết sức thực dụng. Chúng nhốt hàng chục tù nhân vào căn phòng khoảng 4 m2, sử dụng cái nóng Côn Đảo kết hợp mùi ô uế do tù nhân thải ra tại phòng. Bọn chúa đảo tuyên bố: Ánh sáng, không khí là “tài sản quốc gia” và chúng bịt kín các chuồng cọp, người tù không phân biệt được ngày, đêm, không khí chỉ được hưởng mức tối thiểu…

Một góc nhà tù Côn Đảo.

Còn rất nhiều hình thức tra tấn dã man, dụ dỗ khéo léo tinh vi hòng khuất phục những chiến sỹ cộng sản nhưng không một ai chùn bước. Họ sẵn sàng hy sinh, chấp nhận tra khảo khốc liệt để bảo vệ đồng chí, bảo vệ Tổ quốc.

Chứng tích sinh động nhất có lẽ là Nghĩa trang Hàng dương, nơi yên nghỉ của hơn 2 vạn tù nhân nhưng hiện chỉ còn 1913 phần mộ, vị trí mỗi phần mộ giữ nguyên như vốn có, trong đó có 713 phần mộ có tên tuổi, quê hương. Nơi đây còn là chỗ yên nghỉ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, sĩ phu Phan Chu Trinh, liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong, nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc… Mỗi phần mộ có một cây đèn nhỏ sử dụng năng lượng mặt trời. Lúc đêm về, tất cả đèn bật sáng, Nghĩa trang Hàng dương lung linh huyền ảo như thành phố thu nhỏ. Sự sôi động của thành phố này thật sự vào khoảng 23 giờ đến 1 giờ sáng mỗi ngày bởi có hàng trăm người đến đây thắp hương, dâng hoa và trái cây cho chị Sáu và những người đã quên mình vì Tổ quốc. Có một chi tiết gây xúc động mạnh mẽ trong dòng người tham quan Côn Đảo: Vào ngày 2-5-1975, người tù đứng lên giải phóng hoàn toàn Côn Đảo và lúc họ liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn-Gia Định, khi được hỏi: Các đồng chí cần gì để đất liền chi viện ngay thì đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời nghẹn ngào trả lời “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ” trong khi biết có bao cái hết sức cần thiết cho cuộc sống của họ lúc này. Thế rồi, ngày 4-5-1975, những chiếc tàu Hải quân chở bộ đội ra đảo đã trao cho họ 500 tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chiến sỹ cộng sản đã long trọng rước ảnh Bác Hồ về các phòng, trại. Trong giờ phút trang nghiêm ấy, những giọt nước mắt nóng hổi tự lăn dài trên gò má hóp của những người tù cộng sản. Và chúng tôi những người con Ninh Thuận chỉ nghe thuyết minh của hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu di tích cũng thấy lòng mình nghẹn lại.

Đất nước thanh bình đã bốn mươi năm, có bao đổi thay đã diễn ra tại Côn Đảo để hôm nay mọi người đến thăm nơi đây có núi mây thanh bình, thơ mộng giữa biển trời Tổ quốc. Nhưng tượng đài vĩnh hằng (cấu trúc tổng chiều dài, rộng đáy và đỉnh của tượng đài bằng con số 9-tượng trưng cho sự vĩnh cửu) tại Nghĩa trang Hàng dương luôn nhắc nhở mọi người về sự bất tử của những người tù chiến sĩ cộng sản và dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh giữ nước. Một chút thoáng qua không thể nói hết những gì về Côn Đảo xưa và nay, mời bạn hãy một lần đến thăm để cảm nhận về khúc anh hùng ca của những người tù cộng sản, chứng kiến những chứng tích về sự tàn bạo của nhà tù đế quốc, thực dân và cùng đắm mình vào Côn Đảo thơ mộng, thanh bình giữa biển trời Tổ quốc trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.