IPU-132: Các quyết nghị quan trọng đều qua lăng kính giới

Là sự kiện bắt đầu các hoạt động của Đại hội đồng IPU-132, Hội nghị Nữ nghị sĩ nhìn lại, đánh giá những thành tựu về bình đẳng giới đã đạt được kể từ cuộc họp đầu tiên ở Lomé, Togo, năm 1985, khi nữ nghị sĩ chỉ đại diện cho 7,3% số nghị sĩ tại Đại hội đồng IPU.

Như đã đưa tin, sáng 28-3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Nữ nghị sĩ - hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132.

Xem xét mọi vấn đề qua lăng kính giới

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người được đề cử Chủ tịch IPU-132, cho rằng, các nữ nghị sĩ ngày càng tham gia tích cực hơn ở các vị trí cấp cao của IPU, hình thành mạng lưới và các mối quan hệ rộng khắp với nữ nghị sĩ của các nghị viện thành viên trên toàn cầu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị Nữ Nghị sĩ IPU - Ảnh: VGP/Vũ Dũng

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ngày càng có nhiều vấn đề liên quan tới phụ nữ được đưa vào chương trình nghị sự của IPU, qua đó, các hoạt động trong khuôn khổ cơ chế này thúc đẩy mạnh mẽ bình đẳng giới và quan hệ đối tác giữa nam và nữ nghị sĩ trong Liên minh nghị viện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ tin tưởng, Hội nghị này sẽ đóng góp tích cực vào các nghị quyết của Đại hội đồng, bảo đảm các nghị quyết được thông qua “đều đã được xem xét qua lăng kính giới, phản ánh tiếng nói của các nghị sĩ”.

“Hy vọng hội nghị sẽ trao đổi, đưa nhiều sáng kiến nhằm tạo môi trường thuận lợi cho bình đẳng giới ở mỗi quốc gia cũng như thế giới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chia sẻ, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay. Hiến pháp Việt Nam và các luật bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ.

Ông dẫn chứng, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội Việt Nam trong 4 nhiệm kỳ gần đây đều đạt khoảng 25% và “chúng tôi cũng đang phấn đấu để nâng cao hơn con số này”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, dù chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhiều nỗ lực song chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức.

Hội nghị Nữ Nghị sĩ IPU khai mạc sáng 28/3 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/Vũ Dũng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người được đề cử và bầu làm Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21, cho rằng 30 năm qua, Hội nghị Nữ nghị sĩ thực sự đã tạo không gian cho các nữ nghị sĩ gặp gỡ, trao đổi tại mỗi kỳ Đại hội đồng, giúp tăng cường hợp tác giữa các nghị sĩ, nữ nghị sĩ, đồng thời cũng là diễn đàn để cho tất cả nữ nghị sĩ cùng làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về các chủ đề quan tâm chung, thúc đẩy bình đẳng hợp tác nam nữ trong tất cả các lĩnh vực.

Hội nghị Nữ nghị sĩ đóng vai trò quan trọng lồng ghép bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động và trong các tổ chức của Liên minh nghị viện thế giới và các nghị viện thành viên.

Quốc hội Việt Nam hiện có 121 nữ đại biểu và đều là thành viên của nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. “Chúng tôi đã có nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động, trong đó, vấn đề lồng ghép giới, bình đẳng giới trong công tác lập pháp, trong các hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề lớn của đất nước đều có sự tham gia của phụ nữ”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng mong muốn, tại Hội nghị này, từ các chủ đề thảo luận trong chương trình nghị sự, sẽ có sự trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu nhằm biến các cam kết tự nguyện thành quy định pháp lý mang tính bắt buộc, biến quy định của pháp luật thành thực tiễn sinh động, biến lời nói thành hành động và mang lại hiệu quả thiết thực trong bình đẳng giới, bảo đảm nam và nữ đều có quy định tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng các cơ hội và kết quả của sự phát triển tại mỗi quốc gia của IPU.

Vấn đề của tất cả mọi người

Theo Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, “Bất bình đẳng không phải là vấn đề của phụ nữ. Đó là vấn đề của tất cả mọi người”.

Ông Saber Chowdhury cho rằng, tất cả các nghị sĩ, cả nam giới và nữ giới, hiểu rằng khi họ sử dụng sức mạnh chính trị mà họ có, họ có thể thay đổi tư duy và tạo ra những thay đổi cơ bản.

“Sự chia sẻ tầm nhìn cũng như tình đoàn kết của Hội nghị Nữ nghị sĩ IPU trong 30 năm qua đã làm thay đổi một tổ chức toàn cầu và tăng quyền lực của phụ nữ trong quá trình ra các quyết định chính trị trên thế giới. Chúng tôi kêu gọi các nghị sĩ nam giới chia sẻ tầm nhìn này”, ông nói thêm.

Hiện chiếm 30% tổng số nghị sĩ có mặt tại Hà Nội, hơn 200 nữ nghị sĩ sẽ xác định những việc cần làm để đạt được những mục tiêu đề ra trong kế hoạch Hành động Bắc Kinh về việc trao quyền lực cho phụ nữ được thông qua cách đây 20 năm.

Sáng kiến tổ chức Hội nghị Nữ nghị sĩ IPU đã trở thành một sáng kiến tiên phong trong việc hướng tới sự thay đổi về chính trị. Đó là nền tảng duy nhất và quý giá cho nữ nghị sĩ từ tất cả các khu vực trên thế giới cung cấp đầu vào chính thức cho các quyết định chính trị của IPU. Thông qua sự tham dự này, các nữ nghị sĩ đã được trao quyền để đảm nhận vai trò lãnh đạo trên cấp độ quốc gia và quốc tế.

Nguồn www.chinhphu.vn