Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Hỗ trợ tỉnh Hà Giang thực hiện Đề án tri thức trẻ

Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 38,72 tỷ đồng (80% tổng nhu cầu kinh phí Đề án) cho tỉnh Hà Giang để thực hiện Đề án trí thức trẻ của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2014 - 2017.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Tài chính bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương từ nguồn kinh phí cải cách tiền lương để thực hiện và chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo.

UBND tỉnh Hà Giang sử dụng nguồn kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ và bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Đề án. Việc quản lý và sử dụng số kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành.

Tạm dừng tuyển viên chức chuyên trách y tế tại trường mầm non, phổ thông

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý, tạm thời dừng tuyển viên chức chuyên trách công tác y tế, tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quy định về việc tổ chức y tế trường học, tài chính kế toán trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; đề xuất các giải pháp cần thiết tiết kiệm tối đa biên chế các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2015.

Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiện toàn và tăng cường hiệu quả về công tác y tế trường học và hoạt động tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm Công ước chống tra tấn

Các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các hành vi vi phạm về thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Đó là một trong những nội dung trong Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn) mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.

Theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan cần triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn; nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đáp ứng yêu cầu của Công ước chống tra tấn; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn...

Đảm bảo tốt quyền con người

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ: Công an, Tư pháp, Quốc phòng nghiên cứu hoàn thiện các quy định có liên quan trong Bộ luật tố tụng hình sự để đảm bảo tốt hơn quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam.

Các Bộ ngành liên quan phải nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định có liên quan của Bộ luật dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để đảm bảo tốt hơn quyền con người và phù hợp hơn với yêu cầu của Công ước chống tra tấn; xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, bảo đảm tôn trọng quyền con người khi thi hành công vụ; nghiên cứu, rà soát pháp luật về bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế, để có những điều chỉnh đồng bộ bảo vệ các nhóm đối tượng trên và phù hợp với Điều 16 của Công ước chống tra tấn...

Điều chỉnh vốn điều lệ của EVN

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án điều chỉnh vốn điều lệ của Công ty mẹ - Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đến hết năm 2015 là 160.000 tỷ đồng.

Nguồn bổ sung vốn điều lệ tăng thêm từ Quỹ đầu tư phát triển; vốn đầu tư do quyết toán các dự án xây dựng cơ bản hoàn thành; vốn nhà nước do nhận bàn giao tài sản từ bên ngoài (tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn) và nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn EVN thực hiện cụ thể.

Hội đồng thành viên EVN có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng vốn điều lệ của EVN, đảm bảo hiệu quả và bảo toàn vốn; đồng thời có giải pháp tạo nguồn bổ sung vốn điều lệ theo quy định.

Sắp xếp, đổi mới DNNN tỉnh Đồng Nai

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Đồng Nai và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai.

Thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, nhà nước giữ từ 65% đến dưới 75% tổng số cổ phần.

Thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 đối với 3 công ty con của Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai gồm Công ty TNHH một thành viên Cao su công nghiệp, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Bửu Long và Công ty TNHH một thành viên Thọ Vực.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ quy định hiện hành quyết định tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại các công ty nêu trên.

UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp nêu trên theo quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát và thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ bán cổ phần chưa đạt phương án đã phê duyệt, thuộc diện phải bán tiếp vốn nhà nước theo quy định hiện hành.

Đồng thời hoàn thành phương án sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 86/TTg-ĐMDN ngày 16/1/2012 trong năm 2015.

Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai và Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp sau khi các tổng công ty này chuyển thành công ty cổ phần.

Nhật Bản hỗ trợ rà phá bom, mìn tại Hà Tĩnh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt văn kiện Dự án “Rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn và Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ hội nhập ASEAN - Nhật Bản.

Dự án trên được thực hiện trong 25 tháng (trong đó thời gian thi công tại thực địa là 24 tháng) với kinh phí viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ JAIF là 3.970.526 USD

Mục tiêu tổng thể của Dự án là thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội góp phần vào xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cụ thể Dự án sẽ làm sạch bom mìn, vật nổ trên diện tích 2.550 ha đất đai bị ô nhiễm nặng nề do bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh tại 12 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Hà Tĩnh, với độ sâu dò tìm đến 5m tính từ mặt đất tự nhiên hiện tại trở xuống.

Ninh Bình có thêm Phó Chủ tịch tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đinh Chung Phụng, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Với quyết định trên, UBND tỉnh Ninh Bình có 4 Phó Chủ tịch gồm: ông Đinh Quốc Trị; ông Trần Hữu Bình; ông Lê Văn Dung; ông Đinh Chung Phụng.

Đưa CNTT trở thành ngành kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn

Đến năm 2025, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (Chương trình).

Theo đó, Chương trình phấn đấu đến 2020 tăng trưởng tối thiểu 15%/năm đối với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó lĩnh vực phần cứng điện tử thu hút 5 tỷ USD đầu tư FDI trong giai đoạn 2015-2020.

Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí là một trong 10 nước đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm toàn cầu.

Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia.

Phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm

Một trong những nhiệm vụ mà chương trình đặt ra là phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm. Theo đó, triển khai lựa chọn sản phẩm, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ đầu tư cho hoạt dộng nghiên cứu, phát triển, sản xuất, xúc tiến, thương mại hóa, triển khai thử nghiệm và các nội dung liên quan khác.

Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm phần mềm dùng trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là các phần mềm cho các hệ thống lớn, phần mềm ứng dụng trên mạng di động, mạng internet; phát triển các sản phẩm, giải pháp dựa trên phần mềm nguồn mở và trên nền công nghệ mở.

Phát triển các sản phẩm nội dung số thương hiệu Việt; các sản phẩm phục vụ cơ quan nhà nước, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn; các sản phẩm trên mạng di động, internet, công cụ, dịch vụ tìm kiếm trên mạng.

Đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm phần cứng, tích hợp hệ thống mà Việt Nam có lợi thế hoặc vì yêu cầu an toàn an ninh; các sản phẩm vi mạch, điện tử, bán dẫn; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực phần cứng - điện tử; đầu tư phát triển các sản phẩm CNTT trọng điểm, sản phẩm an toàn thông tin, sản phẩm CNTT phục vụ các hệ thống thông tin quốc gia, an ninh, quốc phòng.

Cung cấp một số dịch vụ CNTT có lợi thế cạnh tranh

Cũng theo Quyết định, cần nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho các tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ CNTT thông qua việc hỗ trợ xây dựng, đánh giá, áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn về quy trình, quản lý, đảm bảo chất lượng và an toàn thông tin trong cung cấp dịch vụ CNTT; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân lực làm dịch vụ CNTT; hỗ trợ các nội dung để phát triển một số tổ chức, doanh nghiệp chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, chuyển giao, cung cấp một số dịch vụ CNTT mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, hoặc có hàm lượng chất xám cao, hoặc có khả năng xuất khẩu, hoặc được sử dụng nhiều trong các cơ quan nhà nước, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, hoặc dịch vụ CNTT trên mạng mà có khả năng định hướng thông tin như các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, công cụ dịch, các sản phẩm giải trí trên mạng.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ CNTT, đặc biệt là dịch vụ gia công quy trình kinh doanh và dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số cho nước ngoài.

Hỗ trợ đầu tư phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao thông qua các giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi thuế, xúc tiến thương mại, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển ngành dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam, hình thành một số doanh nghiệp chuyên nghiệp về cung cấp dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu, đủ sức chiếm lĩnh thị trường nội địa, từng bước tiến ra thị trường quốc tế; nhà nước hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ dữ liệu và dịch vụ phân tích dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về Đề án Cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (Đề án).

Theo thông báo kết luận, việc ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân là cần thiết nhằm góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Ninh Thuận, đây cũng là một trong những nhiệm vụ Chính phủ được giao trong Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 ngày 25/11/2009 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Để thực hiện hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn các dự án cấp thiết trên địa bàn tỉnh có nhu cầu bổ sung vốn trong năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3/2015.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án trong tháng 5/2015, trong đó bổ sung các dự án hạ tầng kinh tế xã hội được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, kế hoạch thực hiện dự án Điện hạt nhân...

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo đại học và trên đại học, nhất là các nghề liên quan đến xây dựng, quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân đối với học sinh, sinh viên Ninh Thuận.

Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ quy mô 500 giường bệnh lên quy mô khoảng 1.000 giường với hệ thống trang thiết bị khám chữa bệnh đồng bộ, hiện đại phục vụ nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh và đội ngũ chuyên gia đến sinh sống và làm việc trong quá trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải ưu tiên vốn đầu tư các dự án, công trình giao thông vận tải do Bộ làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư và quản lý hệ thống giao thông địa bàn tỉnh, đồng bộ với các công trình do Trung ương đầu tư, đáp ứng yêu cầu vận tải cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh và đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; phối hợp với EVN nghiên cứu xây dựng các cảng chuyên dùng của các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, kết hợp với cảng hàng hóa trong thời gian thi công, cũng như sau khi hoàn thành xây dựng các Nhà máy.

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành Đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận”, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2015; trong đó báo cáo kinh nghiệm của các nước có nhà máy điện hạt nhân, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội cho vùng chịu ảnh hưởng của Dự án trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy điện hạt nhân.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương hoàn thành xây dựng các phương án tài chính cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó đề xuất tỷ lệ trích từ doanh thu bán điện của các Nhà máy điện hạt nhân cho Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế xã hội cho vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.