Vấn đề hôm nay:

Chuyển đất lúa sang cây trồng khác để chống hạn!

(NTO) Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhân chuyến về thăm và làm việc mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu ra một số ý để tỉnh cần quan tâm trong công tác chống hạn, đó là mặc dù là tỉnh khô hạn nhất nước nhưng diện tích lúa nước vẫn còn cao, trong khi một số cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao đồng thời cũng là nét “riêng” có, đặc thù… để làm nên “thương hiệu” cho tỉnh như nho và táo thì diện tích vẫn còn thấp!.

Có thể nói, đây là “gợi ý” rất xác đáng của Chủ tịch nước. Theo con số thống kê, trong tổng diện tích gieo trồng hàng năm bình quân hơn 80.000 ha thì trong đó cây lúa đã chiếm trên 50% và có xu hướng tăng hàng năm. Đơn cử như năm 2013, năm được xem là thuận lợi về thời tiết thì diện tính lúa đã chiếm trên 43.530 ha/81.868 ha tổng diện tích gieo trồng. Ngược lại, cây ăn quả trong đó phần lớn là nho và táo không tăng trưởng là mấy, chỉ chiếm trên, dưới 5.000 ha.

Nông dân xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam) sử dụng hệ thống phun tưới tiết kiệm nước trên cây nho.
Ảnh: Sơn Ngọc

Trong số này, cây nho trên 727 ha, táo 1.119 ha. Điều đáng nói đây là những giống cây trồng có thể áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm như tưới phun sương, tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân dinh dưỡng cho cây, vừa tiết kiệm nước, vừa giảm công chạy nước, bón phân...

Trong thực tế, không ít bà con nông dân ở nhiều địa phương đã rất năng động trong việc tìm kiếm cây trồng mới, chủ động chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao đồng thời có trình độ đầu tư thâm canh kết hợp với ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật theo hướng dẫn của các ngành chức năng để vừa tiết giảm chi phí “đầu vào” nhưng đạt năng suất cao và tăng giá trị “đầu ra” sản phẩm... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông dân đã và đang loay hoay với đất lúa. Theo tìm hiểu từ một số “lão nông tri điền”, việc chuyển đổi cây trồng là mong muốn của nhiều nông hộ nhưng do diện tích bình quân của từng hộ thấp, lại nằm trong vùng ruộng lúa nước nên khó chuyển một cách cá lẻ, ngoại trừ ruộng nằm ở các vùng đất gò, dễ cắt nước và không bị ngập bởi ruộng lúa các hộ chung quanh mỗi khi theo nước. Mặt khác, mối lo lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp đó là “đầu ra” cho sản phẩm và điệp khúc “được mùa, mất giá” và ngược lại nên không làm cho bà con yên tâm chuyển đổi cây trồng cũng như mở rộng diện tích nhất là nho và táo, mặc dù ai cũng biết hiệu quả từ cây trồng này rất cao với thu nhập không dưới 500 triệu đồng/ha/năm...

Vấn đề đặt ra là liệu có sớm tìm được “đáp số” cho bài toán chuyển đất lúa vốn tốn nhiều nước sang cây trồng ít sử dụng nước để “chủ động” và “kiểm soát” hạn hán như Chủ tịch nước gợi ý không?. Câu trả lời xin dành cho các ngành chức năng liên quan.