Vấn đề hôm nay:

Được-mất “kinh tế” vỉa hè!

(NTO) Những ngày gần đây, một số tuyến đường chính của Phan Rang-Tháp Chàm như Thống Nhất, đầu đường 21 Tháng 8... được lát lại vỉa hè, tô điểm cho bộ mặt thành phố để “ngang tầm” với đô thị loại II, sánh vai cùng các đô thị bạn trong cả nước. Đây là điều nên làm.

Một góc vỉa hè trên đường Lê Hồng Phong bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh. Ảnh: Sơn Ngọc

Chỉ có điều rất tiếc là vỉa hè của một số tuyến đường quá hẹp, lại không đều, có bên lại quá rộng, và ngược lại do tồn tại của quy hoạch cũ khó có thể thay đổi. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là cùng với nhịp độ phát triển của thành phố thì “kinh tế” vỉa hè cũng “bung” ra khá mạnh mẽ với đa dạng mặt hàng kinh doanh. Dường như ở nơi nào vũng vậy, không riêng gì thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, chỉ có điều khác là quy định rõ nơi nào được tập trung mua bán trên vỉa hè vừa thuận lợi cho người bán cả người mua nhưng không ảnh hưởng đến đến mỹ quan và nhất là cản trở giao thông đô thị. Đối với thành phố của ta cũng có quy định hẳn hoi nhưng giữa chỉ đạo với thực hiện lại không đi liền với nhau.

Có dịp đi qua các tuyến phố: Thống Nhất, Ngô Gia Tự, 16 Tháng 4... điều dễ nhận ra là gần như nhiều đoạn vỉa hè đã thuộc “sở hữu” của các hộ kinh doanh từ shop thời trang, quán cà phê đến... tất tần tật miễn là có buôn, có bán. Đa phần làm nơi để xe của khách mua hàng, một số trưng bảng quảng cáo, căn màn che như mái hiên, một số vỉa hè rộng thì cà phê cóc, hàng quán ăn sáng... bao chiếm. Vậy là vỉa hè bị chia cắt manh mún từng đoạn nhỏ theo căn hộ dọc phố. Chỉ “tội” người đi đường cứ xuống lòng đường mà đi, nhất là những con đường dài mà... nhỏ như Thống Nhất thì quá đông người lưu thông bởi không còn vỉa hè. Đáng nói là tiềm ẩn tai nạn giao thông cũng chính từ đây.

“Kinh tế” vỉa hè phát triển tuy giải quyết một số việc làm, thu nhập... cho một bộ phận cư dân đô thị nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy. Việc lập lại trật tự và trả vỉa hè cho người đi bộ đúng như công năng là cần thiết và phải làm ngay. Có như vậy, không những tạo nên sự thông thoáng cho một số tuyến đường mà còn tạo nên bộ mặt văn minh cho đô thị. Mặt khác, tuyến đường 21 Tháng 8 "nối" Phan Rang với Tháp Chàm; một số tuyến đường vỉa hè quá cũ, hư nát nhất là khu vực Tháp Chàm cũng cần được thành phố quan tâm đầu tư để tạo mỹ quan chung, vừa phục vụ người dân sở tại đồng thời tạo nên hình ảnh đẹp, thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước, tạo thêm điều kiện thu hút du khách đến với tỉnh nhà nói chung và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm nói riêng.