Ngư dân vươn khơi bám biển

(NTO) Theo ông Nguyễn Quách Trường Thanh, Phó phòng Quản lý khai thác nguồn lợi thủy sản, tàu cá của tỉnh ta, chủ yếu hành nghề pha xúc đánh bắt cá nổi. Một số hành nghề lưới rê, lưới quét ở khu vực gần bờ, dọc theo vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau. Để phát huy hiệu quả đánh bắt, cần phải thay đổi ngư trường và đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền, đầu tư ngư cụ để vươn khơi đánh bắt các loại hải sản có giá trị cao hơn.

Cũng theo ông Thanh, ngư dân trong tỉnh đã nhận thức được, muốn đánh bắt hiệu quả phải đầu tư tàu thuyền lớn, đánh bắt ở những ngư trường mới, xa hơn. Xu thế ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa như Trường Sa, DK1 phù hợp với nghề câu, rê và lưới cản. Một số hộ đã đầu tư tàu lớn để đánh bắt vùng này. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 28 tàu đóng mới, với tổng công suất 11.100 CV và 111 tàu cải hoán/công suất 23.890 CV để đảm bảo điều kiện vươn khơi.

 

Ngư dân chuyển hải sản lên bờ tại Cảng cá Đông Hải.

Một trong những hộ dân có chuyển hướng “táo bạo”, đó là bà Vương Thị Thúy Vân (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam). Trước đây, cũng như nhiều ngư dân trong vùng, gia đình bà chủ yếu sử dụng thuyền nhỏ đánh cá nổi gần bờ. Lượng cá đánh bắt được nhiều thường lại không được giá, những chuyến biển vất vả nhưng thu nhập không ổn định. Khi có chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt vùng biển xa, bà đã đóng tàu công suất lớn 400 CV để vươn khơi kết hợp chong mực, đánh lưới mành và câu cá ngừ đại dương. Ngư trường thuận lợi, hải sản có giá trị cao, nên chỉ tính từ sau Tết đến nay, tàu của gia đình bà đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện nay, tàu này vẫn đang tiếp tục đánh bắt ở vùng biển Trường Sa.

Không có đủ điều kiện để đầu tư tàu lớn, nhưng hộ ông Tô Minh Thanh (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã cải hoán tàu công suất nhỏ 40 CV lên công suất máy lớn 90CV, hành nghề lưới quét. Mặt khác, đầu tư các khay nhựa để chứa cá thay vì đổ đống để ướp cá trên tàu như trước đây, để cá không bị dập, tươi ngon hơn. Chính vì vậy, chuyến này chỉ đạt 4 tấn cá nhưng với giá bán cao từ 50-70 ngàn/kg, sau khi trừ chi phí, còn lãi trên 30 triệu đồng.

Không chỉ chuyển hướng trong đánh bắt hải sản, ngư dân các địa phương đã phát huy hiệu quả các tổ đội đoàn kết, chia sẻ thông tin ngư trường, hỗ trợ nhau để đánh bắt mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí, công sức trong mỗi chuyến biển. Hiện toàn tỉnh đã duy trì 73 tổ đội đoàn kết, với 325 tàu tham gia. Các tàu vươn khơi đều trang bị máy tầm ngư, định vị để xác định ngư trường, luồng cá. Trong thời gian tới, với chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Nghị đinh 67 của Chính phủ về phát triển thủy sản, ngư dân tỉnh ta sẽ có thêm điều kiện để vượt qua khó khăn, tạo sức bật mới phát triển nghề biển bền vững, hiệu quả.