Hưởng ứng cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”:

Nhân dân Việt Nam xây dựng và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

(NTO) Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù và sáng tạo, chiến đấu, anh dũng chống mọi kẻ thù xâm lược để dựng nước và giữ nước. Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa được thành lập vào ngày 2-9-1945. Cũng từ đó, Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập được ra đời. Qua mấy lần sửa đổi vào những năm 1959, 1980, 1992 và hiện nay là Hiến pháp năm 2013, là Hiến pháp của thời kỳ hội nhập và phát triển nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiến pháp là thành tựu của sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo, là biểu thị của độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn dân, là tài sản vô giá của nhân dân ta. Hiến pháp là đạo luật cao nhất của nhà nước ta, nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Hiến pháp do nhân dân xây dựng, thi hành và bảo vệ. Điều đó được khẳng định trong lời nói đầu của Hiến pháp năm 2013: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thật vậy, nhân dân là người xây dựng Hiến pháp. Ý chí nguyện vọng của nhân dân được thể hiện trong Hiến pháp. Nhân dân xây dựng Hiến pháp thông qua những đại biểu của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội. Nhân dân thực hiện dân chủ của mình thông qua Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Do đó. nhân dân có quyền và nghĩa vụ vừa trực tiếp, vừa thông qua Nhà nước thi hành và bảo vệ Hiến pháp.

Nhà nước thay mặt nhân dân tổ chức thực hiện việc thi hành và bảo vệ Hiến pháp bởi lẽ “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức” (Điều 2 Hiến pháp 2013). Để thực hiện quyền và nghĩa vụ này, Nhà nước thay mặt cho Nhân dân, trước hết phải cụ thể hóa Hiến pháp bằng các đạo luật để áp dụng trên từng lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Tiếp theo, Nhà nước phải tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến giúp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng nội dung Hiến pháp và pháp luật để thực hiện nghiêm chỉnh. Phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi Hiến pháp, pháp luật của tổ chức và công dân, bảo đảm cho Hiến pháp, pháp luật được thực thi và chấp hành nghiêm túc. Đồng thời phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung để không ngừng hoàn thiện Hiếp pháp, pháp luật và làm cho Hiến pháp, pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống xã hội, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Để thi hành Hiến pháp, là công dân Việt Nam, mỗi người dân trước hết phải học tập, nghiên cứu để hiểu rõ, hiểu đúng Hiến pháp, pháp luật để tự giác chấp hành, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Để góp phần bảo vệ Hiến pháp, mọi người có nhiệm vụ đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm phá hoại Hiến pháp. Mặt khác, phải phát huy dân chủ, thực hiện quyền và nghĩa vụ giám sát việc thực thi Hiến pháp, pháp luật của các cơ quan Nhà nước, của cán bộ, công chức, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Ngoài ra, người dân còn có nghĩa vụ thường xuyên phản ánh yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng của cá nhân và cộng đồng giúp Nhà nước nghiên cứu, kịp thời bổ sung, sửa đổi Hiến pháp, pháp luật cho phù hợp và sát đúng, góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.