Ninh Thuận: Tư vấn mùa thi năm 2015

(NTO) Sáng 21-3, tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, Sở GD&ĐT phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức Chương trình Tư vấn mùa thi năm 2015. Hơn 20 trường ĐH, CĐ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam đã tham gia giải đáp thắc mắc cho các thí sinh về quy chế kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ.

Vì kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới, trong khi đa số các học sinh còn thiếu thông tin nên chương trình tư vấn đã thu hút trên 2000 học sinh lớp 12 của tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh và các giáo viên chủ nhiệm, các bậc phụ huynh cùng tham. Để thuận lợi hơn cho các thí sinh đặt câu hỏi và theo dõi thông tin, chương trình tổ chức tư vấn theo 2 nhóm ngành: Tự nhiên-kỹ thuật-công nghệ và Xã hội nhân văn-kinh tế-sư phạm-y dược…

Ban tổ chức tư vấn mùa thi nhóm ngành XHNV - Kinh Tế - Sư Phạm - Y dược..
 
 
Học sinh xem thông tin tuyển sinh.

Những thắc mắc được nhiều học sinh đề cập là: cụm thi, cấu trúc đề, quy chế xét tuyển vào ĐH, CĐ… Các chuyên gia tư vấn đã trực tiếp giải đáp thắc mắc, đồng thời đưa ra những lời khuyên, lưu ý cần thiết cho các thí sinh như: Cân nhắc trong việc lựa chọn cụm thi, môn thi; nắm rõ những thông tin về quy chế thi, các móc thời gian quan trọng như: nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nhận phiếu thông báo kết quả thi, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ... Giải đáp thắc mắc của một học sinh rằng: “Nếu chỉ dự thi ở cụm thi địa phương thì kết quả thi có được sử dụng để xét tuyển ĐH, CĐ hay không”?, đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT phân tích: Theo quy chế, thí sinh nếu chỉ đăng ký dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp thì sẽ không được dùng kết quả để xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, quy chế cũng mở một con đường cho những thí sinh này là được xét tuyển vào những trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng, chấp nhận kết quả thi này. Hiện nay, đã có 150 trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng, đồng ý tiếp nhận kết quả của thí sinh thi ở cụm thi địa phương do Sở Giáo dục chủ trì, nơi chỉ tổ chức cho thí sinh thi với mục đích tốt nghiệp. “Điều quan trọng, là các em phải sớm xác định được trường ĐH, CĐ mình có nguyện vọng đăng ký, và vào website các trường để xem các trường này có đề án tuyển sinh riêng hay không” – đồng chí Nguyễn Anh Linh nhấn mạnh.

Đại diện ban tổ chức tặng quà cho học sinh nghèo.

Chương trình đào tạo và cơ hội việc làm sau khi ra trường của một số ngành nghề cụ thể như: công nghệ hóa, công nghệ sinh học… cũng được nhiều học sinh đặt ra với các chuyên gia tư vấn. Việc cân nhắc kỹ các yếu tố: học lực, điều kiện gia đình, khả năng của bản thân và tìm hiểu thông tin về xu hướng việc làm cũng là lời khuyên chung mà các thầy cô đến từ các trường ĐH, CĐ dành cho học sinh. Đáp lại sự quan tâm của nhiều học sinh xung quanh vấn đề hỗ trợ kinh phí cho thí sinh trúng tuyển Đại học Y, Dược diện đào tạo hệ chính quy, theo Đề án “Đào tạo và hỗ trợ kinh phí cho các thí sinh trúng tuyển Đại học Y, Dược diện đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng giai đoạn 2009 – 2020”, đại diện Sở GD&ĐT cho biết, do số lượng sinh viên trúng tuyển đang theo học dự kiến đã có thể đáp ứng nhu cầu nên năm nay tỉnh ta không còn có chỉ tiêu hỗ trợ kinh phí. Riêng việc tuyển chọn, đào tạo nhân lực cho 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ có 70 chỉ tiêu du học tại Liên Bang Nga. Tuy nhiên, toàn bộ chỉ tiêu này cũng chỉ dành cho sinh viên đang học năm thứ nhất tại các trường ĐH.

Nhân dịp này, chương trình đã trao tặng 10 suất học bổng Nguyễn Thái Bình, mỗi suất 1 triệu đồng cho học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Báo Thanh niên tặng 500 cuốn “Cẩm nang tuyển sinh” cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh.