Thế giới trong tuần

1. Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu ÂU (EU) đang diễn tại Thủ đô Brussels (Bỉ) là một trong những sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất trong bối cảnh căng thẳng giữa EU và Nga chưa hạ nhiệt và khối này cũng đang gặp nhiều thách thức. 

Hội nghị diễn ra trong hai ngày sẽ là phép thử quan trọng đánh giá khả năng duy trì sự đoàn kết và thống nhất của liên minh trong xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngoài ra, các vấn đề vốn đang là thách thức của EU như chính sách năng lượng, kinh tế cũng được bàn tại Hội nghị lần này. 

Một trong những chủ đề trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh EU lần này là việc EU bàn tới chuyện phải thành lập Liên minh năng lượng châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Ý tưởng thành lập Liên minh năng lượng châu Âu mới ra đời từ tháng 2 vừa rồi, xuất phát từ nhu cầu của châu Âu cần có một sự độc lập về năng lượng với Nga, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy quan hệ hợp tác giữa EU với Nga, đối tác năng lượng lớn và quan trọng nhất của khối, đến bờ vực căng thẳng. 

Cho đến sát thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh thì chủ đề về Hy Lạp đã trở thành vấn đề nóng nhất được bàn thảo và sẽ là trung tâm thảo luận trong các cuộc họp của các nguyên thủ châu Âu.  Ngày 19-3, Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schauble đã tuyên bố là “thời gian đang đếm ngược với Hy Lạp” và lại nhắc đến khả năng sẽ buộc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro). 

2. Tổng thống Nga Putin đã ký Hiệp định liên minh và Hội nhập với Nam Ossetia - khu vực ly khai của Gruzia. Thỏa thuận khung do Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Nam Ossetia Leonid Tibilov ký kết, trong đó phác thảo những kế hoạch nhằm hợp nhất các lực lượng an ninh, các cơ quan quân sự và hải quan của Nam Ossetia với các cơ quan của Nga. Cũng theo Hiệp ước này, Nga sẽ bảo vệ đường biên giới của Nam Ossetia. Nga đã công nhận Nam Ossetia là một quốc gia độc lập sau cuộc chiến kéo dài 5 ngày với Gruzia hồi năm 2008. Tuy nhiên, hầu hết các nước khác vẫn coi khu vực này là một phần của Gruzia. Phản ứng ngay sau đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố hiệp ước liên minh mới giữa Nga và Nam Ossetia-khu vực ly khai của Gruzia là vi phạm luật pháp quốc tế và cản trở các nỗ lực tăng cường an ninh trong khu vực. Ông Stoltenberg nêu rõ hiệp ước này “vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia, rõ ràng trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và những cam kết quốc tế của Nga”. Trong khi đó, Mỹ cũng khẳng định không công nhận tính hợp pháp của hiệp ước liên minh Nga-Nam Ossetia.

Lễ ký kết được diễn ra tại Moskva, vào thời điểm tròn một năm sau khi Nga tiến hành sáp nhập Crimea từ Ukraine. Tổng thống Nga Putin đã ca ngợi thỏa thuận mang tính dấu mốc này sẽ giúp tăng cường quan hệ gần gũi hơn nữa giữa Nga và Nam Ossetia.

3. Trong một bước đi phản ánh chiều hướng tiếp tục rạn nứt trong quan hệ giữa hai đồng minh, ngày 18-3, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt chúc mừng ông Benjamin Netanyahu tái đắc cử chức Thủ tướng Israel, mặt khác cảnh báo nhà lãnh đạo này về những quan điểm trong quan hệ với Palestine.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry khẳng định sự hợp tác an ninh chưa từng có giữa Mỹ và Israel, bao gồm cả mối quan hệ quân sự và tình báo bền chặt, sẽ vẫn được duy trì. Tuy nhiên, ông Earnest lưu ý chính quyền Tổng thống Obama sẽ đánh giá lại cách tiếp cận với tiến trình hòa bình Trung Đông sau khi Thủ tướng Netanyahu, trong chiến dịch vận động tranh cử, tuyên bố nếu tái cử, ông sẽ từ bỏ cam kết thương lượng cho một nhà nước Palestine độc lập. Chung quan điểm với Chính phủ Mỹ, LHQ cùng ngày cũng hối thúc Chính quyền Israel cần tiếp tục duy trì tiến trình hòa đàm Trung Đông sau khi Thủ tướng Netanyahu tuyên bố “sẽ không có nhà nước Palestine” nếu ông được bầu lại làm thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo.

Quan hệ Mỹ-Israel bùng nổ căng thẳng với việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu cáo buộc chính quyền Obama sai lầm khi theo đuổi một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thống Obama ngày 3-3 đã phản bác phát biểu của ông Netanyahu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ hối thúc các nhà lập pháp Mỹ có hành động nhằm ngăn cản thỏa thuận hạt nhân mà Washington đang nỗ lực đàm phán với Tehran.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định việc Thủ tướng Netanyahu tái đắc cử sẽ không cản trở những nỗ lực và sự quyết tâm của Washington trong việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Tehran.