Chuyện về những người “không... bình thường”

(NTO) Mỗi khu phố, thôn xóm như một xã hội thu nhỏ. Nếu ai đó làm việc ở cơ quan, doanh nghiệp… thường sinh hoạt cùng nhân dân nơi cư trú sẽ cảm nhận điều đó.

Có lần, anh bạn cùng cơ quan hỏi tôi: Khu phố ông ở có nhiều chuyện không? -“Ông cứ về khu phố nơi gia đình ở, chịu khó quan sát sẽ thấy cái tốt, cái xấu ở công sở, ngoài xã hội hiện diện ngay tại nơi mình sinh sống”- tôi gợi ý. Và như thể chứng minh cho lời nói của mình, tôi kể anh nghe về những người “bình thường” và “không bình thường” nơi gia đình mình cư trú.

Tôi sống cùng gia đình ở khu phố gần 20 năm nên chẳng có gì lạ khi biết khá rõ từng gia đình trong tổ dân phố và một số gia đình khác trong khu phố. Nhưng có điều phải thừa nhận, đến giờ này bà Hai (gọi tên thứ theo chồng) gần nhà tôi, tên thật là gì tôi cũng chẳng biết. Có lẽ đến khu phố tôi hỏi người nào đó có thể có người không biết nhưng hỏi bà Hai thì từ nhỏ tới lớn, ai ai cũng biết. Gia đình bà Hai có bảy tám người con, trai có, gái có, tuy bây giờ bà đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng ngày ngày vẫn cặm cụi đi mua bán ve chai kiếm sống. Cũng vì vậy nên bà ít khi ốm đau. Việc kiếm sống bà như người lao công đường phố thực thụ. Sáng sáng, khi mọi người tập thể dục trên đường phố là lúc bà cùng chiếc chổi tre quét gom rác không chỉ hè, đường phố trước nhà mình mà còn quét dọn cả khu vực ngã tư những nhà xung quanh. Có người hỏi: Họ (người có hè, đường phố trước nhà) thuê bà quét dọn bao nhiêu tiền? Bà hồn nhiên: Thấy dơ thì quét cho sạch đường phố, để tụi nhỏ vui chơi chứ tiền nong gì. Chuyện bà Hai quét dọn rác đường phố đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân khu phố và cả những người tập thể dục sáng trên đường. Vắng bóng bà, người ta hỏi nhau: Bà Hai bệnh rồi hay sao? Và khi người ta gắn biển: “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp do…”, tôi bỗng tự hỏi, sao lại không phải do một tay bà Hai góp vào nhỉ?

Không chỉ có bà Hai, cụ ông năm nay 85 tuổi đã trải qua hai thời kỳ kháng chiến, mắt giờ đã hơi mờ nhưng còn khá nhanh nhẹn. Đúng là "tuổi cao chí khí càng cao", ngày ngày trong khu vực ở, hè phố trước nhà, cụ luôn luôn quét dọn sạch sẽ đến mức khó có thể tìm thấy cọng lá to, tờ giấy kẹo, vỏ hộp sữa... Đi bộ ngoài đường, gặp giấy rác, bịch nylon, cành cây gãy là cụ lượm, gom bỏ vào sọt rác ven đường. Có lần qua khu vực ngã tư thấy tép đót làm chổi tấp thành vệt dài ven đường, cụ ghé vào nhà làm chổi, ôn tồn: Mấy cháu làm ăn phải giữ gìn vệ sinh đường phố, đừng để rác bay khắp đường là không tốt. Nghe cụ dặn, cô chủ trẻ vui vẻ cảm ơn nhưng khi cụ vừa đi khỏi thì cô ta lầm bầm: Già sắp… không lo, đi lo chuyện rác ngoài đường.

Có việc gia đình, tôi ghé nhà anh cán bộ hưu trí đã từng giữ trọng trách khá quan trọng của tỉnh nhờ giúp đỡ. Nhân thấy anh nói chuyện thành phố mình xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, tôi góp thêm về chuyện những người lớn tuổi khu phố tôi gương mẫu tham gia. Nghe xong, anh trầm ngâm bộc bạch: Mình mới về hưu vài năm, không biết đã già lẩm cẩm chưa, hễ thấy giấy, bao nylon, cái đinh ốc hay cành cây trên hè phố, đường phố là gom nhặt bằng được. Tôi vội đỡ lời: Như anh là tấm gương cho con cháu học tập đấy. Anh mỉm cười chua chát: Nhưng có người lại nói tôi “không bình thường”!

Tôi nghĩ, thật đáng trân trọng biết bao về những người “không bình thường” đó, bởi lẽ trong thực tế cuộc sống có không ít người … “bình thường” đến mức chỉ biết sạch nhà mình, còn chung quanh lại… “mackeno” (mặc kệ nó). Ví như có anh giám đốc doanh nghiệp nhà nước ở khu phố tôi với căn nhà biệt thự đẹp sang nhất, nhì khối phố. Trong khuôn viên gia đình anh cứ như công viên: Cây xanh trồng phối cảnh, được chăm sóc và tỉa tót đẹp như tranh, căn nhà được sơn tô mỗi năm, nhìn như vừa mới khánh thành. Khu nhà ấn tượng là vậy nhưng chẳng bao giờ thấy gia chủ nó quét dọn rác trên hè phố quanh nhà để gọi là góp sức làm đẹp đường phố văn hóa!

Suy cho cùng, cái sự “không… bình thường” như bà Hai dân dã, lão Bộ đội Cụ Hồ 85 tuổi hay anh cán bộ hưu trí cao cấp, những người không quản tuổi cao sức yếu, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng lại tích cực tham gia chăm lo môi trường sống trong sạch cho mọi người, được dân mến, dân yêu thì cũng đáng lắm. Xã hội hiện đại rất cần những cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu không chỉ ở cơ quan, đơn vị mà ngay tại nơi gia đình mình sinh sống, có như vậy thì nhân dân mới thêm tin yêu Đảng, theo Đảng, tích cực tham gia xây dựng quê hương.