Nâng cao hiệu quả giám định tư pháp

Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp là yêu cầu bức thiết hiện nay, nhất là trong hoạt động tố tụng của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức thực hiện nhanh chóng, hiệu quả Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp và Luật Giám định tư pháp.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc
việc soạn thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản liên quan
hoạt động giám định tư pháp. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trong cuộc họp sáng 6/3 tại Trụ sở Chính phủ.

Theo Bộ Tư pháp, năm 2014 là năm thứ 4 triển khai thực hiện Đề án và Chỉ thị số 1958/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; là năm thứ 2 triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp.

Việc thực hiện Đề án và Luật Giám định tư pháp đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp (GĐTP) trong hoạt động tố tụng được nâng cao rõ rệt và đầy đủ hơn so với khi chưa có Đề án, tạo thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành trong công tác này ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Các bộ, ngành đã quan tâm hơn đến công tác xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn chuyên môn làm cơ sở cho hoạt động GĐTP. Các tổ chức GĐTP công lập được quan tâm củng cố, kiện toàn một bước quan trọng. Năm 2014, đã có thêm 4 trung tâm pháp y được thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động GĐTP đã được đầu tư, mua sắm, đáp ứng yêu cầu.

Tất cả các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành đã thực hiện việc lập và công bố (trừ Bộ Công an) danh sách giám định viên, người giám định theo vụ việc, tổ chức GĐTP theo vụ việc gửi về Bộ Tư pháp lập danh sách theo quy định…

Công tác GĐTP vẫn còn hạn chế, yếu kém

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, hạn chế biểu hiện ở chỗ việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật GĐTP còn chậm so với yêu cầu. Việc củng cố và kiện toàn tổ chức GĐTP công lập trong lĩnh vực pháp y ở một số tỉnh chưa quyết liệt (hiện vẫn còn 8 địa phương chưa thực hiện việc củng cố, kiện toàn tổ chức GĐTP); việc xây dựng Đề án Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực chậm, dẫn đến việc phải kéo giãn thời gian đi vào hoạt động của các trung tâm pháp y tâm thần theo quy định của luật.

Đề án củng cố, kiện toàn tổ chức giám định pháp y ngành Y tế chưa được xây dựng. Một số văn bản hướng dẫn áp dụng các quy định của Luật GĐTP về trưng cầu, yêu cầu giám định về đánh giá, sử dụng kết luận GĐTP, văn bản hướng dẫn thống kê về trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá chất lượng giám định và sử dụng kết luận giám định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là một trong những cơ sở quan trọng để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động này chưa được ban hành đúng tiến độ…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết cuối năm 2014, qua kiểm tra tại các tỉnh phía Nam cho thấy còn hơn 200 đối tượng cần được giám định nhưng không đủ cơ sở vật chất và nhân lực. Do đó, Bộ Y tế đề nghị cho phép thành lập Viện Pháp y tâm thần miền Nam tại Đồng Nai để đáp ứng yêu cầu nặng nề hiện nay của khu vực phía Nam.

Thúc đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Đề án

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác GĐTP thời gian qua đã khắc phục cơ bản tình trạng chậm trễ, đáp ứng công tác tốt cho các hoạt động tư pháp, nhất là hoạt động tố tụng hiện nay…

Tuy nhiên, việc kiện toàn các tổ chức GĐTP còn chậm, việc giám định pháp y tâm thần chưa thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Một số ngành còn nợ đọng công việc, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có giải pháp đồng bộ để triển khai Đề án GĐTP.

Về phương hướng, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cũng như cán bộ có liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân; tiến hành bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cho cán bộ, cơ quan làm công tác này.

Các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để triển khai Đề án và Luật GĐTP…

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ ngành cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án và Luật GĐTP (như đánh giá, sử dụng kết luận giám định, thống kê về trưng cầu, yêu cầu giám định, đánh giá việc sử dụng kết luận giám định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự).

Ban hành các Thông tư hướng dẫn về điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu cho tổ chức pháp y, pháp y tâm thần, quy định về quy trình giám định pháp y tâm thần, quy định về phụ cấp đối với giám định viên tư pháp, ban hành quy chế phối hợp giữa trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an các tỉnh.

Các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý tập trung thực hiện việc giám định phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, không để tồn đọng ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục sắp xếp, củng cố, kiện toàn các tổ chức GĐTP công lập theo qui định của Luật GĐTP, đồng thời đề xuất thành lập tổ chức GĐTP công lập ở các lĩnh vực cần thiết, khuyến khích thành lập Văn phòng GĐTP ở các lĩnh vực theo quy định của Luật GĐTP.

Nguồn www.chinhphu.vn