Một số gợi ý về định hướng và giải pháp phát triển tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới

I. Quan điểm, định hướng phát triển chung

- Thứ nhất, về định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế:

+ Cơ bản lâu dài việc xác định 3 trụ cột và 6 nhóm ngành sản phẩm ưu tiên phát triển theo quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016- 2020 cần ưu tiên đầu tư và có chính sách để phát triển 3 nhóm ngành: nông - ngư nghiệp; công nghiệp chế biến và du lịch. Gắn các mục tiêu phát triển ưu tiên với quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, dựa vào vốn đầu tư như hiện nay sang phát triển dựa vào công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

+ Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió và sản xuất thiết bị phục vụ ngành điện gió và công nghiệp chế biến nông, thủy sản; công nghiệp hóa chất sau muối chất lượng cao; ngành nông nghiệp công nghệ cao và ngành du lịch nhằm tạo sức lan tỏa, tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.

 
Mô hình Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh minh họa

- Thứ hai, về thể chế

+ Đẩy mạnh cải cách về thể chế, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến để thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Chính quyền địa phương phải thực sự là người cung cấp dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp, là người đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và kinh doanh.

+ Cần chú trọng, đẩy mạnh, khuyến khích và hỗ trợ phát triển khu vục kinh tế tư nhân. Phải xem nguồn vốn đầu tư tư nhân là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục tái cơ cấu đầu tư công, xem vốn đầu tư của ngân sách nhà nước là “vốn mồi”.

+ Xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng. Chọn dự án thí điểm để triển khai mô hình công - tư đối tác (PPP), nhằm huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

+ Cần xây dựng chương trình cụ thể để tham gia vào các hoạt động liên kết vùng, liên kết với các địa phương trong xúc tiến quảng bá thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trước mắt ưu tiên liên kết phát triển du lịch với 3 địa phương: Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng.

- Thứ ba: về điều chỉnh quy hoạch

Cần đánh giá lại cơ cấu từng nhóm ngành, tốc độ tăng trưởng và đặc biệt cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi. Cần tận dụng cơ hội thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Chính phủ đã, sẽ ký kết trong tương lai gần để phát triển các ngành thâm dụng lao động và hải sản mà Ninh thuận có lợi thế.

+ Trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 chưa thể có tác động nào của điện hạt nhân, nên cần quy hoạch và ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu công nghiệp chế biến.

+ Trên cơ sở Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ, cần xây dựng Đề án tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Ninh Thuận phù hợp với định hướng chung của cả nước; gắn với sự phát triển chung của vùng Duyên hải miền Trung.

II. Định hướng và giải pháp phát triển các ngành cụ thể

- Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất, khuyến khích và có các chính sách ưu đãi đặc thù đối với các doanh nghiệp “đầu đàn” tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất các nông sản.

- Lựa chọn các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư.

- Phát triển gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; gắn hộ nông dân với thị trường, với doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi liên kết kinh tế trong sản xuất, ưu tiên đầu tư và hỗ trợ phát triển, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm nông sản có lợi thế, có giá trị (cây nho, cây neem, chăn nuôi dê, cừu, bò, sản xuất tôm giống…) để nâng cao giá trị sản xuất và quảng bá thương hiệu nông sản của tỉnh Ninh Thuận trên thị trường nông sản trong và ngoài nước.

- Đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ mới, sử dụng hiệu quả các tài nguyên đất, nước, lao động; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo lao động cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

- Hướng dẫn và tạo điều kiện để nông dân tiếp cập và thụ hưởng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

- Tập trung nguồn lực đầu tư và khai thác có hiệu quả ngành công nghiệp năng lượng đặc biệt là năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và điện gió, đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước.

- Tiếp tục ưu tiên phát triển trong giai đoạn đến 2020 như: công nghiệp chế biến nông, thủy sản; công nghiệp sản xuất muối và hóa chất sau muối (muối cao cấp, xút, magiê clorua...); công nghiệp chế biến khoáng sản (chế biến xỉ titan); vật liệu xây dựng cao cấp; năng lượng (điện gió, điện mặt trời), may xuất khẩu...

- Thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như: máy móc và thiết bị phục vụ sản xuất, khai thác và chế biến nông, lâm, thủy sản; thiết bị phục vụ ngành điện (điện gió, điện mặt trời…); thiết bị dây chuyền phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng…

- Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực nông thôn, đồng thời duy trì và đẩy mạnh việc phát triển các làng nghề truyền thống, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

- Quy hoạch và xây dựng lộ trình để từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh sang mô hình các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái. Phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh phải đặt trong tính liên kết vùng, tính liên kết chuỗi giá trị và liên kết ngành trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh riêng có.

- Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng việc tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cung ứng đầu vào hay tiêu thụ sản phẩm.

- Tiếp tục tập trung phát triển các loại hình và nhóm sản phẩm du lịch, cụ thể:

+ Du lịch nghỉ dưỡng gắn với giải trí và sinh thái biển như: lặn ngắm rạn san hô, bơi lội dưới nước, các trò chơi thể thao biển…

+ Du lịch văn hóa khám phá và trải nghiệm các giá trị di sản văn hóa, các lễ hội, kiến trúc Chăm gắn với tham quan các làng nghề truyền thống (làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp - Chung Mỹ…);

+ Du lịch sinh thái, khám phá các giá trị cảnh quan thuộc suối, hồ, núi, vườn quốc gia, cồn cát... gắn với tìm hiểu và thưởng thức các đặc sản nho, táo, rượu vang nho...

- Tăng cường liên kết, hợp tác vùng với các địa phương (Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng và các tỉnh Đông Nam Bộ) để xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao; xúc tiến, quảng bá, xây dựng điểm đến và tìm kiếm thị trường khách du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

- Đẩy mạnh thu hút và đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho tất cả các lĩnh vực từ quản lý nhà nước về du lịch, nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch…

- Tiến hành rà soát và đẩy nhanh việc thực hiện các dự án du lịch (mạnh dạn thu hồi các dự án chậm triển khai), thu hút đầu tư xây dựng thêm các cơ sở lưu trú 3 đến 5 sao, phát triển các dịch vụ còn thiếu như: sản phẩm điểm đến, các dịch vụ vui chơi giải trí trong nhà về đêm và trên biển; khu mua sắm tập trung...

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, xử lý các hành vi vi phạm (gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám khách…), bảo vệ môi trường du lịch…

Một số ý kiến trên đây mang tính gợi ý về định hướng và giải pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới, trên cơ sở các ý tưởng, các đề xuất tại hội thảo lần này, tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục triển khai nghiên cứu các đề án cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể nhằm bổ sung và hiện thực hóa các quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận nhanh và bền vững đến năm 2020 và những năm tiếp theo.