Hưởng ứng cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”:

Những điểm mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

(NTO) Quyền con người thường được hiểu là những quyền tự nhiên vốn có của con người, những quyền mà khi sinh ra, con người đã có. Quyền công dân là những quyền có tính chất pháp lý gắn liền với một quốc gia cụ thể, quyền công dân có thể được hiểu là mối quan hệ pháp lý giữa một cá nhân với một quốc gia.

Những điểm mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 có thể tóm tắt những nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Hiến pháp năm 1992, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân quy định tại chương V (khái niệm quyền con người chưa được quy định cụ thể và chủ yếu chỉ nói đến quyền công dân). Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại chương II, Hiến pháp năm 2013, gồm có 36 điều, từ điều 14 đến điều 49 (là chương có nhiều điều nhất vì Hiến pháp năm 2013 có 11 chương 120 điều). Việc chuyển đổi từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 2 trong bản Hiến pháp đã cho thấy nhận thức địa vị pháp lý, tầm quan trọng chế định quyền con người, quyền công dân đã được quan tâm rõ nét, đúng mức hơn. Từ đó, chế định về quyền con người cũng đã được xác định tách bạch, không còn hiện tượng “đồng nhất” với quyền công dân. Đây là nội dung vừa tiến bộ vừa khoa học và chính từ đó, Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định một số quyền mà trước đây Hiến pháp năm 1992 ghi nhận là quyền của công dân thì Hiến pháp năm 2013 ghi nhận là quyền của tất cả mọi người. Việc ghi nhận những quyền thuộc tất cả mọi người không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với những người nước ngoài đang sinh sống hợp pháp tại Việt Nam, phù hợp với Luật Nhân quyền quốc tế và với chủ trương, chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện của Đảng, Nhà nước Việt Nam … Có thể thấy một số quyền điển hình, đó là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật (điều 16); mọi người có quyền sống (điều 19); mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể (điều 20); mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (điều 21); mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp (điều 32); mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (điều 33); mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (điều 40); mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa (điều 41) …

Thứ hai, Hiến pháp năm 1992 chỉ xác định nội dung tôn trọng các quyền công dân (điều 50); trong khi đó, Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể hơn các nghĩa vụ của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đó là Nhà nước tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân (điều 3) và khoản 1, điều 14 quy định: “Ở Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Điểm mới này rất quan trọng vì không chỉ thể hiện Nhà nước chỉ có nghĩa vụ tôn trọng mà còn phải có nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân là những quyền cơ bản nhất mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải ghi nhận.

Thứ ba, bên cạnh việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 có chế định về nguyên tắc giới hạn quyền thể hiện tại khoản 2, điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nội dung này rất quan trọng vì nó làm rõ việc bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân phải đồng thời với việc bảo đảm các quyền, lợi ích chung của cộng đồng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân khác và đồng thời cũng nhằm bảo đảm chức năng quản lý xã hội của Nhà nước. Những nội dung này nếu được cụ thể hóa thành các luật để bảo đảm tính hiện thực, tính khả thi của việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân sẽ tạo điều kiện xây dựng nền văn hóa mới, con người mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ tư, có một số quyền mới mà Hiến pháp năm 1992 chưa ghi nhận hoặc ghi nhận, chưa đầy đủ thì nay đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận như “quyền sống” (điều 19); quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người (điều 20); các quyền về văn hóa (điều 41); quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (điều 42); quyền sống trong môi trường trong lành (điều 43); quyền của công dân không bị trục xuất, giao nộp cho nước khác (khoản 2, điều 17); quyền có nơi ở hợp pháp (điều 22); quyền hưởng an sinh xã hội (điều 34) … Những quyền này đã mở rộng phạm vi bảo vệ của Hiến pháp đối với quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực chính trị, dân sự và kinh tế, xã hội, văn hóa …

Thứ năm, một số nhóm quyền liên quan đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người đã được Hiến pháp năm 2013 quy định tách bạch, rõ ràng hơn; trong đó có những quyền liên quan đến danh dự, nhân phẩm của con người đã được hiến định mới, cụ thể hơn như quy định về việc không bị tra tấn (khoản 1 điều 20). Điều 71, Hiến pháp năm 1992 quy định “nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân” thì khoản 1, điều 20, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Đây là quy định mở rộng về chủ thể và xác định rõ nội dung; cụm từ “không bị tra tấn” đã thể hiện cụ thể về hành vi và đối tượng cần bảo vệ liên quan đến quyền con người, quyền công dân …

Những điểm mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự khác nhau về cách tiếp cận nội dung quyền con người không đồng nhất với quyền công dân. Có lẽ, đây là điểm mấu chốt nhất để nghiên cứu luật hóa cụ thể những nội dung liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân chưa được pháp luật quy định hoặc quy định chưa đầy đủ.