Những giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Lợi thế cho phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Thuận

Tỉnh Ninh Thuận có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế như: Nằm liền kề với sân bay quốc tế Cam Ranh (60 km). Các trục giao thông nối liền với Tây Nguyên và cả nước như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, đường sắt cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang... Cơ hội trở thành một đầu mối giao thương hàng hóa của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tiềm năng biển, đây là điều kiện để phát triển các ngành kinh tế biển mang tính đặc thù của cả khu vực miền Trung. Nhiều điều kiện hình thành cảng biển ở phía bắc và nam tỉnh Ninh Thuận với nhiều đồi núi lan ra sát biển và Vườn quốc gia Núi Chúa. Quy mô lớn về khoáng sản vật liệu xây dựng và titan. Đây là điều kiện tiền đề để tỉnh Ninh Thuận phát triển mạnh những ngành kinh tế biển như dịch vụ cảng biển; công nghiệp luyện thép; vật liệu xây dựng; khai thác titan; sản xuất muối; phát triển du lịch biển gắn với du lịch núi và du lịch trên cát; khai thác và đánh bắt thủy sản xa bờ; trồng nho... Nhiều công trình quy mô lớn tầm cỡ quốc gia sẽ được triển khai đến năm 2020 và những năm tiếp theo như dự án điện gió, điện hạt nhân, khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm…

Như vậy, tỉnh Ninh Thuận có đầy đủ điều kiện để đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm tạo sự lan tỏa trong mối liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh trong khu vực miền Trung.

 
Ninh Thuận được đánh giá là nơi có tiềm năng phát triển năng lượng điện gió lớn nhất của cả nước.
Ảnh:TL

Những giải pháp đột phá

1. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển

- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư phát triển từ mọi thành phần kinh tế; tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, bình đẳng và đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư; chủ động xúc tiến, kêu gọi tìm kiếm đối tác đầu tư. Đầu tư đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả cao nhất.

- Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, trong đó nguồn vốn trong nước là quyết định, nguồn vốn nước ngoài là quan trọng. Ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng nhiều hình thức thích hợp, nhất là các công ty đa quốc gia để tranh thủ tiếp cận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, điều hành tiên tiến, mở rộng thị trường.

- Vốn đầu tư kết cấu hạ tầng là rất lớn, cần có chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng. Khai thác tối đa nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương đầu tư các công trình trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng ở địa bàn khó khăn, trong đó chủ yếu là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các vùng nghèo; thực hiện có hiệu quả chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để bê tông hóa kênh mương, xây dựng và kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn.

2. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế

- Tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, tạo ra tỷ lệ giá trị gia tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành khai thác tài nguyên, sơ chế và gia công. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, chế biến thủy hải sản; các ngành dịch vụ du lịch, tài chính-ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại, logistics.

- Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, thâm nhập và mở rộng thị trường. Tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về thông tin thị trường và giới thiệu đối tác nước ngoài trong quá trình liên doanh liên kết; cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình hội nhập. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; khuyến khích doanh nghiệp trong nước xây dựng và phát triển thương hiệu.

3. Thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

- Tập trung xúc tiến mời gọi các trường đại học, các trung tâm đào tạo có uy tín, có kinh nghiệm để đầu tư thành lập cơ sở đào tạo tại tỉnh Ninh Thuận đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm đào tạo nguồn lao động cho vùng Nam Trung Bộ trên một số lĩnh vực tỉnh có lợi thế.

- Có chính sách thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp có dự án đầu tư quy mô lớn mở các trường đào tạo hoặc liên kết mở các lớp đào tạo để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

- Tăng kinh phí đầu tư từ ngân sách tỉnh để đầu tư các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương ở trình độ thấp, lao động phổ thông. Có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động được học nghề nhất là dạy nghề cho nông dân, làng nghề, khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động sau đào tạo tìm được việc làm.

- Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích tài năng trẻ nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng những thành quả công nghệ mới. Trẻ hóa đội ngũ cán bộ quản lý, tạo điều kiện tham quan, học tập, giao lưu với nước ngoài để nắm bắt các thông tin về thị trường, công nghệ... Thường xuyên mở các lớp đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp để nâng cao trình độ quản lý, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh.

- Có chính sách sử dụng và thu hút nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người lao động được đào tạo lại, học nghề mới, tự tìm kiếm việc làm, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Có chính sách đầu tư thêm cho các sinh viên của tỉnh Ninh Thuận đang theo học ở các trường đại học và các trường dạy nghề và hợp đồng cụ thể để sau khi tốt nghiệp về quê hương làm việc.

- Có chính sách khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư vào giáo dục- đào tạo theo hướng đào tạo nhiều cấp học, hình thành nhanh chóng các trường học ngoài công lập có chất lượng để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

- Có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho các trung tâm, trường dạy nghề mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo. Tích cực liên danh, liên kết với các trường đại học lớn trong vùng để đào tạo nhân lực tại chỗ cho tỉnh.

4. Đẩy mạnh mối liên kết giữa các địa phương trong Vùng

- Đẩy mạnh liên kết, tạo lập không gian kinh tế thống nhất trên toàn vùng Nam Trung Bộ, tăng cường sự phối hợp và hỗ trợ giữa các địa phương trong vùng.

- Đẩy mạnh sự phối hợp gắn kết giữa các địa phương trong và ngoài vùng Nam Trung Bộ thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo, thu hút và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội của vùng phục vụ cho công tác dự báo và phối hợp phát triển bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

5. Hình thành và phát triển cơ chế liên kết vùng

- Tăng cường sự phối hợp giữa tỉnh Ninh Thuận với các tỉnh trong vùng Nam Trung Bộ trong tất cả các lĩnh vực. Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương trong vùng Nam Trung Bộ; xây dựng chương trình hành động cụ thể và phân công trách nhiệm rõ ràng đi kèm với đánh giá mức độ phối hợp của các cơ quan trong quá trình phối hợp thực hiện quy hoạch.

- Tổ chức định kỳ hàng năm Diễn đàn Doanh nghiệp vùng Nam Trung Bộ nhằm tăng cường giao lưu và đối thoại trực tiếp giữa các nhà đầu tư với chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng.

- Tăng cường liên kết kinh tế giữa tỉnh Ninh Thuận với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hàng năm tiến hành sơ kết kết quả thực hiện Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa tỉnh Ninh Thuận với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời ký kết tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình trong những năm tiếp theo.