LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI):

Bàn về vấn đề sở hữu trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

(NTO) Sở hữu là chế định trung tâm của Bộ luật Dân sự, là cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện các quyền của cá nhân với các loại tài sản và quyền về tài sản, vì cá nhân và xã hội chỉ có thể tồn tại và phát triển khi có những cơ sở vật chất nhất định.

Chỉ khi một chủ thể xác định được quyền sở hữu của mình đối với một tài sản nào đó thì chủ thể đó mới có thể chủ động thực hiện được quyền của mình trong việc đưa khối tài sản thuộc sở hữu của mình tham gia vào giao lưu dân sự, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện hiện nay.

Theo phạm trù pháp lý, sở hữu là quan hệ giữa người và người đối với một loại tài sản nào đó trong quá trình sản xuất hay trong đời sống xã hội. Theo phạm trù kinh tế, sở hữu phản ánh mối quan hệ giữa các chủ thể trong việc phân phối sản phẩm lao động hay việc nắm giữ tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng.

Quyền sở hữu chỉ xuất hiện khi có nhà nước. Nhà nước với tư cách là chủ thể đặc biệt trong xã hội đặt ra pháp luật, trong đó có các quy định về quyền sở hữu, nhằm bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị trong xã hội đối với tài sản và các quyền về tài sản.

Theo nghĩa khách quan, quyền sở hữu là một chế định của pháp luật do nhà nước đặt ra nhằm điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các của cải, vật chất và các quyền về tài sản trong xã hội. Theo nghĩa chủ quan, quyền sở hữu là quyền dân sự cụ thể của một “người” đối với một loại tài sản và các quyền về tài sản cụ thể mà pháp luật quy định.

Về mặt pháp lý, khi phân loại các hình thức về quyền sở hữu thì chỉ có hai hình thức quyền sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng.

Sở hữu chung là quyền sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với một hay nhiều loại tài sản. Tài sản thuộc quyền sở hữu chung là tài sản chung. Sở hữu chung được chia thành hai hình thức là sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.

Sở hữu chung theo phần là quyền sở hữu chung mà trong đó xác định được phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu đối với một hay nhiều loại tài sản chung, và do đó cũng xác định được phần nghĩa vụ của mỗi chủ sở hữu đối với một hay nhiều loại tài sản chung đó nếu có.

Ngược lại, sở hữu chung hợp nhất là quyền sở hữu chung mà trong đó không xác định được phần quyền sở hữu hay phần nghĩa vụ nếu có của mỗi chủ sở hữu chung đối với khối tài sản chung đó.

Trong hình thức sở hữu chung hợp nhất còn được chia ra thành hai hình thức sở hữu chung hợp nhất là: (1) sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia là hình thức sở hữu chung hợp nhất trong đó coi phần quyền cũng như phần nghĩa vụ đối với khối tài sản chung của các chủ sở hữu chung hợp nhất đó là bằng nhau. Trong trường hợp những chủ sở hữu chung hợp nhất đó không muốn tồn tại quan hệ sở hữu chung nữa, thì khối tài sản chung đó được chia đều cả quyền hoặc nghĩa vụ nếu có cho tất cả những người tham gia sở hữu chung đó. Ví dụ như sở hữu chung của vợ, chồng; sở hữu chung của những người được tặng, cho chung… và (2) sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia là hình thức sở hữu chung hợp nhất trong đó không thể xác định được phần quyền, cũng như phần nghĩa vụ đối với khối tài sản chung của các chủ sở hữu chung hợp nhất đó và bất kể trong mọi trường hợp không thể chia khối tài sản chung đó. Ví dụ như sở hữu cộng đồng, sở hữu nhà nước…

Sở hữu riêng là quyền sở hữu của một chủ sở hữu đối với một hay nhiều loại tài sản. Tài sản thuộc quyền sở hữu riêng là tài sản riêng. Trong sở hữu riêng có thể có sở hữu riêng của cá nhân (còn gọi là sở hữu tư nhân) và sở hữu riêng của pháp nhân. Sở hữu tư nhân là quyền sở hữu của cá nhân đối với tài sản hợp pháp của cá nhân, bao gồm sở hữu cá thể, sở hữu tiểu chủ, sở hữu tư bản tư nhân… và sở hữu riêng của pháp nhân là quyền sở hữu của pháp nhân đối với tài sản hợp pháp của riêng pháp nhân đó.

Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay thuộc hệ thống pháp luật lục địa. Theo đó, Hiến pháp là văn bản luật gốc, văn bản luật cơ bản điều chỉnh những quan hệ cơ bản trong xã hội. Các văn bản luật khác nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, không được trái Hiến pháp. Trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã quy định về hình thức Sở hữu toàn dân tại Điều 53 và Sở hữu tư nhân tại Điều 32. Do đó, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng phải quy định cụ thể, chi tiết về hai hình thức sở hữu trên. Mặt khác, về nguyên tắc, việc sửa đổi Bộ luật Dân sự cần có sự kế thừa, chọn lọc những giá trị của các Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005.

Từ những vấn đề nêu trên, trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này cần thể hiện những vấn đề sau:

- Chỉ nên quy định hai hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng.

- Vì hình thức Sở hữu toàn dân là hình thức sở hữu đặc biệt quan trọng, khác với các hình thức sở hữu chung khác và hình thức sở hữu toàn dân đã ổn định trong đời sống kinh tế, xã hội ở nước ta, đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, nên cần quy định rõ ràng và cụ thể hình thức Sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu đặc biệt, trong một mục riêng, thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do nhà nước là chủ thể đặc biệt và duy nhất, đại diện cho toàn dân thống nhất quản lý.

- Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về hình thức sở hữu tư nhân trong nhóm các hình thức sở hữu riêng vì đây là một quy định mới trong Hiến pháp năm 2013, rất quan trọng trong đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay.