2 nội dung cần xem xét về hợp đồng vay tài sản

Trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, nội dung "Hợp đồng vay tài sản" có thay đổi một số chi tiết về nghĩa vụ trả nợ của người vay, mức lãi suất và nội dung thực hiện hợp đồng.

Khoản 5 Điều 489 Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi quy định nghĩa vụ của người vay chậm trả đối với loại vay có lãi và có thời hạn thì người vay phải trả phần quá hạn là 150% lãi suất vay theo hợp đồng, thay vì theo lãi suất cơ bản của ngân hàng như trước (khoản 5 điều 474 BLDS năm 2005).

Về lãi suất, theo khoản 3 Điều 491 Dự thảo BLDS sửa đổi, mức lãi suất thỏa thuận tối đa đã nâng lên 200% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước đối với loại vay tương ứng so với quy định hiện hành là 150% (khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005).

Về nội dung trả lại tài sản vay trước kỳ hạn đối với loại hợp đồng có kỳ hạn và có lãi, tại khoản 2 Điều 493 Dự thảo BLDS sửa đổi quy định bên vay có nghĩa vụ trả lãi với mức hợp lý, thay vì phải trả lãi toàn bộ theo kỳ hạn (nếu không có thỏa thuận khác) như luật hiện hành (khoản 2 Điều 478 BLDS năm 2005)

Nghiên cứu nội hàm 3 nội dung điều khoản nêu trên có thể thấy Dự thảo BLDS sửa đổi có nhiều điểm điều chỉnh thích ứng hơn với thực tiễn giao dịch vay tài sản trong xã hội, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, bảo đảm cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách công bằng hơn so với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, tìm hiểu sâu hơn những khía cạnh pháp lý trong Dự thảo BLDS sửa đổi, có 2 vấn đề cần xem xét.

Xác định về tranh chấp lãi

Theo khoản 2 Điều 476 BLDS 2005 thì: Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Còn khoản 1 Điều 491 Dự thảo BLDS sửa đổi quy định: Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất được xác định theo lãi suất luật định, nếu không có lãi suất luật định thì coi như hợp đồng vay không có lãi, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Ở nội dung mới, Dự thảo BLDS sửa đổi quy định dẫn chiếu áp dụng Luật khác mang tính chung chung, điều đó đồng nghĩa với việc tạo ra sự rắc rối trong quá trình giải quyết tranh chấp khi có phát sinh, cuối cùng lại quy vào chế định vay không có lãi. Đây là điều bất hợp lý, gây thiệt cho người có tài sản cho vay và tạo kẽ hở cho những người vay có ý thức gian dối lợi dụng làm lợi cho mình.

Thiết nghĩ, trong trường hợp này (tranh chấp về lãi mà không xác định được mức lãi suất), điều luật nên quy ước chung là áp dụng mức lãi suất 150% so với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là phù hợp. Quy định như vậy sẽ dung hòa được quyền lợi và nghĩa vụ cho các bên tham gia khi có phát sinh tranh chấp.

Trả lại tài sản vay trước kỳ hạn trong hợp đồng

Theo khoản 2 Điều 478 BLDS 2005 thì: Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, nếu không có thoả thuận khác.

Quy định như trên là chưa hợp lý (vì phải trả lãi phần thời gian không sử dụng vốn vay), cần phải điều chỉnh là đúng. Tuy nhiên với quy định: Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn đồng thời có nghĩa vụ trả lãi với mức hợp lý (khoản 2 Điều 493 Dự thảo BLDS sửa đổi) thì lại là một chế định cũng không rõ ràng, dễ khiến dẫn đến tình trạng... tùy nghi áp dụng trong thực tiễn.

Trong thực tế, các tổ chức tín dụng đã áp dụng hình thức “thu lệ phí trả nợ trước hạn” với một tỷ lệ nhất định trên số vốn đối với số tiền khách hàng vay trả trước kỳ hạn. Có thể đây là cơ sở thực tiễn để các chuyên gia soạn thảo đưa ra chế định nêu trên.

Có thể nói với hình thức “thu lệ phí trả nợ trước hạn” mà các tổ chức tín dụng đã thực hiện là hợp lý, do đó nên quy định một tỷ lệ nhất định trên mức lãi suất mà các bên đã thỏa thuận vào khoản 2 Điều 493 Dự thảo BLDS sửa đổi và xem đó như là một biện pháp bảo đảm giá trị của khoản tài sản trong thời gian tương ứng mà người vay phải chịu khi trả trước kỳ hạn.

Trên đây là hai vấn đề cần làm sáng tỏ thêm những cơ sở lý luận và thực tiễn, góp phần vào việc góp ý xây dựng BLDS sửa đổi.

Nguồn chinhphu.vn