Chuyện vụ án:

Lúc “vở diễn” hạ màn!

(NTO) Vì muốn chiếm đoạt số tài sản hơn 2 tỷ đồng của cô ruột, Khưu Mậu Tuấn (SN 1970, ngụ KP4, phường Tấn Tài, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã dàn dựng một vụ va chạm giao thông và cho rằng bị cướp giật hết tài sản trong vụ tai nạn ấy. Thế nhưng, “vở kịch” của Tuấn còn nhiều sơ hở, và kết cục là “gậy ông đập lưng ông”.

Tuấn là cháu ruột của bà Nguyễn Thị H., chủ tiệm vàng H.L. Hơn 30 năm học nghề và làm việc tại tiệm vàng, Tuấn được bà H. tin tưởng. Vì hay đi xa chữa bệnh, nên bà H. đã giao lại quyền quản lý tiệm vàng cho chị Đặng Thị Ng. (em chồng bà). Chị Ng., Tuấn và một số nhân viên khác làm việc yên ổn trong tiệm vàng trên, đến ngày 13-1-2014 xảy ra vụ việc. Khoảng 19 giờ hôm ấy, bà Ng. đưa cho Tuấn một số tài sản gồm vàng, tiền Việt Nam đồng, USD tổng giá trị hơn 2,6 tỷ đồng để gửi vào TP. Hồ Chí Minh. Đây là công việc thường xuyên do Tuấn phụ trách, do là người thân trong gia đình nên khi giao hàng, 2 bên không ghi giấy biên nhận, nhưng camera trong tiệm đã ghi lại hình ảnh trên. Nhận hàng, Tuấn cho vào giỏ mang đi gửi. Khi đi, Tuấn quàng quai giỏ vào kính chiếu hậu bên trái, phần giỏ đặt trên ba-ga xe máy. Theo Tuấn khai tại cơ quan điều tra và phiên tòa, trên đường ra bến xe Liên Thành để gửi hàng, khi đến số nhà 88, Nguyễn Thị Định, thuộc KP4, phường Kinh Dinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm thì bị một người đi xe cùng chiều tông vào đuôi xe, làm y ngã xuống đường và nằm xuống, lát sau, khi bình tĩnh lại, y chạy đi kiểm tra và không thấy giỏ vàng và không biết tại sao mất. Tuấn khăng khăng cho rằng, mình bị cướp giật số tài sản trên.

Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra vụ va chạm, có nhiều nhân chứng xung quanh chứng kiến vụ việc, lúc ấy, đèn đường rất sáng, có thể nhìn thấy rõ ràng. Một trong những nhân chứng là bà Trần Thị M., chủ số nhà 88, Nguyễn Thị Định khai rằng: Lúc xảy ra vụ việc trên, bà đang ngồi ngoài cổng ra vào nhà. Khi ấy, bà thấy 2 chiếc xe máy chạy song song, cách nhau khoảng 1m, sau đó, xe của Tuấn ngã xuống dù không va chạm”. Thấy vậy, bà và anh Châu (con trai bà) vội vàng chạy đến chỗ Tuấn hỏi thăm, nhưng Tuấn không trả lời. Cùng lúc này, cũng có 2 người khác đang bán ốc gần đó, thấy vụ việc chạy đến hỏi Tuấn, nhưng Tuấn vẫn im lặng. Lát sau, Tuấn mới nói mình bị cướp. Người phụ nữ này ngạc nhiên hỏi lại Tuấn: “Bị cướp sao không la lên”.

Sau khi vụ việc xảy ra, bà M. và mọi người đưa Tuấn vào nhà bà nghỉ ngơi, thoa dầu và đề nghị Tuấn báo công an. Thế nhưng Tuấn chần chừ, không chịu. Khi người của tiệm vàng và công an phường Tấn Tài đến, Tuấn vẫn không có thái độ hợp tác. Đến khi mọi người cố gắng động viên, Tuấn mới trình báo lại sự việc và cho rằng mình bị cướp.

Điều mà những người chứng kiến đều tỏ ra nghi ngờ là tại sao bị mất số tài sản lớn như vậy, nhưng Tuấn vẫn “bình chân như vại”, không tỏ thái độ lo sợ. Nhiều người chứng kiến vụ việc, đều cho rằng: Theo bản năng của con người, khi bị cướp giật đi một vật gì đó, người ta sẽ la lên để cầu cứu, nhưng với Tuấn thì ngược lại, im lặng, không nói gì cả, khả năng là vụ cướp giật rất khó xảy ra.

Một lý do khác khiến cho vở kịch của Tuấn diễn ra không trọn vẹn là trong quá trình điều tra tại công an phường Tấn Tài và công an Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, Tuấn luôn quanh co, không đồng nhất lời khai và có nhiều tình tiết mâu thuẫn. Trao đổi với người thân, đồng nghiệp của Tuấn tại phiên xét xử, qua lời kể của các nhân chứng và hiện trường vụ án, thái độ của bị cáo, đa số đều cho rằng đó không phải là một vụ cướp giật, mà Tuấn dựng lên để lấy số tài sản trên.

Tại phiên xét xử, Tuấn có thái độ cố chấp, quanh co chối tội. Nhưng sau khi xem xét các tình tiết, đánh giá lời khai của các nhân chứng tại phiên tòa, HĐXX nhận định rằng: Đây không phải là vụ cướp giật, mà Tuấn đã dàn dựng hiện trường để chiếm đoạt số tài sản trên. Vì vậy, HĐXX tuyên phạt bị cáo 14 năm tù giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và bồi thường số tiền mà Tuấn đã chiếm đoạt.