Chuyện "Muốn nhanh thì phải từ từ "

(NTO) Đầu xuân Ất mùi tôi có chuyến công tác đột xuất ở Hà Nội. Gặp anh bạn học ngày nào, giờ là cán bộ cấp Vụ, sau lời chúc năm mới, nói chuyện công việc, nhân thể nhờ bạn hỗ trợ, anh vui vẻ tươi cười: “Muốn nhanh thì phải từ từ”. Tôi ngạc nhiên: “Thời đại tin học hoá toàn cầu, sự việc xảy ra tại Mỹ chỉ vài phút sau cả thế giới biết mà ông biểu cứ... từ từ”. “Ông ở Hà Nội ít ngày tham gia trải nghiệm giao thông phố phường Thủ đô khắc biết”, anh gợi ý.

Chuyện “Văn hoá nhường” khi tham gia giao thông

Nghe bạn nói, tôi chợt nhớ lại những ngày trong tết, mấy ông hàng xóm nói vui: “Muốn an toàn, tốt nhất tết này cứ ở nhà”, nhưng ở nhà sao còn gọi là “tết” được! Rồi mấy ông thi nhau trổ tài ra đường ngày tết thế nào để an toàn. Anh cạnh nhà tôi kinh nghiệm “đầy mình” phổ biến: Nghiệm từ bản thân ra, chạy xe máy không quá 20km/h, đi sát mép đường bên phải, qua đường xuống dắt xe là an toàn nhất. Chú tuổi trung niên nêu ý kiến: Nghe bác, em chạy xe máy có 15km/h bị cậu thanh niên phóng nhanh vượt ẩu tông vô phía sau, té xuống đường, may mà chỉ bị xây xước tay, chân, vậy nên tuỳ mật độ người, phương tiện tham gia giao thông để có lúc chậm, lúc nhanh là chắc nhất. Nghe họ trao đổi, tôi cũng tham gia cho vui: Ra đường một là tập trung cao độ, hai là nhường cho xong. Cùng lúc đó, trên VTV các nhà quản lý, chuyên gia nêu chuyện “văn hoá nhường” trong tham gia giao thông mà ấn tượng nhất, có lẽ là cô bình luận viên VTV xinh đẹp dẫn câu chuyện ngụ ngôn “hai con dê qua cầu” và chuyện gì xảy ra có lẽ ai cũng biết. Mấy bác xóm tôi cùng thở phào: “Ừ, thế mà không biết cứ nhường nhau một chút là an toàn nhất”!

Giải pháp “Bất khả thi”

Thế rồi các vị xóm tôi lấy chuyện “Văn hoá nhường” phổ biến cho các bà vợ, con cháu biết đi đường cho an toàn. Ai dè, vợ mấy bác hỏi lại: “Ông có nhớ bữa rồi đèn xanh mình đi bị mấy chú vượt đèn đỏ chạy cắt ngang va té không. Mình nhường nhưng họ lấn tới có mà an toàn, vậy nên phải cần giải pháp triệt để”. Rồi các chị góp ý: “Theo tôi, các chú cảnh sát giao thông cứ việc phục kích đón lõng bắt mấy cô cậu choai choai đi xe phân khối lớn phóng nhanh vượt ẩu là cả thành phố an toàn”; Các anh Công an tung lực lượng trực các điểm nút giao thông toàn tỉnh, xử phạt thật nghiêm, bất kể đó là ai nếu vi phạm…” rồi mở rộng, nâng cấp đường... Chờ cho các quý bà đưa ra hết các giải pháp, mấy ông mới giãi bày: “Giải pháp đúng” của mấy chị áp dụng hết rồi nhưng chỉ giải quyết chuyện tình thế, nên chăng để mọi phương tiện, người tham gia giao thông an toàn chỉ còn cách là “nhà nhà, người người… ai nấy có đường riêng cho phương tiện của mình là an toàn nhất” nhưng… bất khả thi!!!

Muốn nhanh thì phải từ từ

Nghe bạn, mấy ngày ở Thủ đô, tôi tranh thủ trải nghiệm tham gia giao thông. Trên các tuyến phố chính, các vòng xoay nút giao thông, mọi phương tiện đều giành đường đi trước. Chuyển động của các phương tiện nhìn từ trên xuống giống như sóng thần, nước lũ cuốn trôi vậy: Xe dọc, xe ngang, xe to, xe nhỏ mạnh ai nấy tìm khoảng trống để vượt lên. Và tôi nhớ lại chuyện những chuyến công tác, ngồi trên xe ô tô cán bộ lãnh đạo có, nhân viên có, dù công việc chẳng khẩn cấp gì, ai ai cũng muốn đi nhanh, vượt nhanh. Có lẽ đi nhanh, vượt nhanh đã trở thành một trong những "thuộc tính" của người Việt ta. Do vậy, nạn tắc đường, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra như quy luật tự nhiên vậy. Giờ thì tôi đã thấm triết lý bạn mình truyền đạt: “Muốn nhanh thì phải từ từ”. Mong rằng vì sự an toàn và hạnh phúc của mọi nhà, ai đó khi tham gia giao thông cứ thứ tự, từ từ (như xếp hàng mua vé tàu xe ngày tết vậy) chớ giành phần nhanh cho riêng mình thì... sẽ "đi nhanh" hơn đấy! Nếu không tin cứ đến Hà Nội, ra đường giờ cao điểm sẽ biết.